Xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân là luận điểm
rất cơ bản trong học thuyết Mác - Lênin về chiến tranh và quân đội, đồng thời là
tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Vừa qua, lợi dụng việc lấy ý kiến đóng góp
của nhân dân hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, một số quan điểm của
các lực lượng thù địch, cơ hội chính trị thông qua cái vỏ bọc “đóng góp ý
kiến”, “lời nói tâm huyết” đã đòi “phi chính trị hoá” quân đội, đòi Quân đội phải đứng
ngoài chính trị, họ cho rằng Quân đội tổ chức ra chỉ là để bảo vệ toàn vẹn lãnh
thổ của Tổ quốc và phục vụ nhân dân, không cần phải trung thành với tổ chức, đảng
phái nào và đòi phải từ bỏ quy định Quân đội phải trung thành với Đảng được ghi
trong Hiến pháp năm 1992. Đây là luận điệu vô căn cứ, phản khoa học, có ý đồ chính
trị xấu, nhằm loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với Quân đội nhân
dân Việt Nam, xoá bỏ bản chất chính tri - giai cấp của quân đội, lôi kéo quân đội
theo chiều hướng chính trị phản động, chống lại Đảng, chế độ ta.
Để
chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của của các
thế lực thù địch và cơ hội chính trị, xây dựng Quân đội ta vững mạnh về chính
trị, giữ vững bản chất chính trị - giai cấp, mục tiêu chiến đấu trong giai đoạn
mới, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:
Một là, giáo dục cho bộ đội hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và
cơ hội chính trị. Thực hiện mục tiêu “phi chính trị hoá” quân đội, các thế lực
thù địch và cơ hội chính trị sử dụng nhiều âm mưu, phương thức và thủ đoạn thâm
độc, xảo quyệt ở mọi lúc, mọi nơi và mọi thời điểm khác nhau với những khẩu
hiệu tuyên truyền cái gọi là quân đội “phi giai cấp” hay “siêu giai cấp”; “phi
chính trị” hoặc “đứng ngoài chính trị”, “quân đội trung lập” và không lệ thuộc
vào một đảng phái chính trị nào... Các thủ đoạn chúng thường dùng để phá hoại bản chất giai cấp
công nhân của Quân đội ta là sử dụng hệ thống phương tiện thông tin hiện đại,
các diễn đàn công khai trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, youtube,
Zing Me...
Không
phải các thế lực thù địch và cơ hội chính trị không hiểu Quân đội nhân dân Việt
Nam là quân đội cách mạng của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Chủ tịch Hồ
Chí Minh sáng lập và rèn luyện, mang bản chất giai cấp công nhân, chiến đấu cho
mục tiêu, lý tưởng của Đảng, giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc.
Mục đích cơ bản nhất của “phi chính trị hoá” quân đội là không phải đòi Quân đội
phải đứng ngoài chính trị, mà thực chất chúng muốn lôi kéo Quân đội theo chính
trị phản động, xa rời sự lãnh đạo của Đảng, làm cho Quân đội mất phương hướng,
“tự diễn biến”, tự chuyển hoá, đi đến chống
lại Đảng, Nhà nước và chế độ.
Cả
lý luận và thực tiễn đều khẳng định quân đội không thể “đứng ngoài chính trị”.
Từ đầu thế kỷ XX, Lênin đã chỉ rõ quân đội phải mang bản chất chính trị, phải
phục vụ cho ai? Người nhấn mạnh: “Quân đội không thể và không nên trung lập.
Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân,
giả nghĩa của giai cấp tư sản”[1].
Ở Việt Nam, từ khi ra đời đến nay, Quân đội ta luôn đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt
đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, chiến đấu cho mục tiêu,
lý tưởng của Đảng, của nhân dân và của cả dân tộc Việt Nam. Gần 70 năm xây
dựng, chiến đấu và trưởng thành Quân đội ta luôn khẳng định đầy đủ bản chất của
một quân đội kiểu mới, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân,
được nhân dân tin cậy và yêu mến; tinh thần chiến đấu, hy sinh quên mình của
lớp lớp cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội ta đã viết nên truyền thống “Trung với
Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì
chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành; khó khăn nào cũng vượt qua; kẻ
thù nào cũng đánh thắng” của Quân đội ta. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay,
Đảng ta tiếp tục khẳng định “Xây dựng Quân đội nhân dân… cách mạng, chính quy,
tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà
nước và nhân dân, được nhân dân tin yêu”[2].
Hai là, tăng cường đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục
chính trị, tư tưởng cho bộ đội. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là một nội
dung quan trọng trong hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị cơ
sở. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư
tưởng cho bộ đội nhằm trang bị, nâng cao nhận thức cho họ về những quan điểm cơ
bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, pháp
luật của Nhà nước, nhiệm vụ, lịch sử truyền thống của cách mạng, của Quân đội
và đơn vị, âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng, Quân đội ta của các thế lực thù
địch… Qua đó, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị có bản lĩnh chính trị
vững vàng, tình cảm đúng đắn, trách nhiệm cao với Đảng, Nhà nước và Quân đội;
có động cơ phấn đấu, rèn luyện tốt, có ý chí quyết tâm khắc phục mọi khó khăn,
thử thách, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần rất
quan trọng xây dựng sức mạnh chính trị, tinh thần cho quân đội - nhân tố quan
trọng bảo đảm cho Quân đội ta tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà
nước và nhân dân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân
giao cho, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục
khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”[3].
Âm
mưu “phi chính trị hóa” quân đội chỉ có thể bị vô hiệu hóa khi chính Quân đội
ta và bản thân mỗi cán bộ, chiến sĩ thực sự vững mạnh về chính trị, có bản lĩnh
chính trị vững vàng, có trình độ hiểu biết sâu rộng, có khả năng “đề kháng, miễn
dịch” cao đối với mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch và cơ hội chính
trị.
Để
đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng
cho bộ đội đòi hỏi: Một là, cấp uỷ,
chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp cần tập trung lãnh
đạo, chỉ đạo chặt chẽ và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình, kế
hoạch giáo dục chính trị hằng năm cho các đối tượng. Hai là, trên cơ sở nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn, quy chế, quy
định trong giáo dục chính trị của trên, các đơn vị phải chủ động, tích cực đổi
mới nội dung, phương pháp hình thức tổ chức giáo dục cho phù hợp với tình hình,
điều kiện cụ thể của đơn vị mình. Ba là,
kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục theo chương trình cơ bản của Tổng cục Chính trị
với giáo dục thường xuyên; gắn giáo dục chính trị, tư tưởng với các hoạt động
văn hoá - câu lạc bộ, với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh. Bốn là, phát huy cao nhất vai
trò của các tổ chức, lực lượng, phương tiện để nâng cao hiệu quả công tác giáo
dục chính trị, tư tưởng.
Ba là, thường
xuyên làm tốt công tác quản lý, trước hết là quản lý tư tưởng, và các mối quan hệ xã hội của mọi quân nhân,
CNVCQP trong đơn vị; duy trì nghiêm quy định
về bảo vệ an ninh chính trị nội bộ. Đây là một nhiệm vụ, một biện pháp quan
trọng để phòng chống âm mưu "Phi chính trị hóa" quân đội. Mặt khác,
từ thực tế công tác quản lý bộ đội, việc thực hiện quy định về bảo vệ an ninh
chính trị nội bộ ở các đơn vị cho thấy có nơi, có lúc còn sơ hở, để địch lợi
dụng, lôi kéo, mua chuộc, làm tha hoá một số quân nhân về đạo đức, lối sống,
suy giảm bản lĩnh chính trị. Điều này đặt ra yêu cầu cấp ủy, người chỉ huy và
đội ngũ chính trị viên phải phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong
việc thực hiện các nội dung, biện pháp quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật theo
Chỉ thị số 04/CT-BQP của Bộ Quốc phòng; thường xuyên làm tốt công tác phân
tích, kiểm tra, đánh giá và dự báo diễn biến, xu hướng vận động của tình hình
tư tưởng đối với từng cán bộ, chiến sĩ để sớm đưa ra các biện pháp phòng ngừa
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đơn vị. Do đó, nội dung quản lý
phải toàn diện, cụ thể, trước hết, cần tập trung vào quản lý lập trường tư
tưởng, quan điểm, thái độ chính trị của cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là những vấn
đề tư tưởng mới nảy sinh và những mâu thuẫn hàng ngày trong đơn vị; kịp thời
ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc; xử lý kịp thời các nguồn thông tin để định
hướng nhận thức cho bộ đội, không để những thông tin xấu, những tin đồn nhảm lan
truyền trong đơn vị; không để văn hoá phẩm xấu độc xâm nhập vào đơn vị; giữ
nghiêm các chế độ về bảo mật, phòng gian... Cán bộ, chiến sĩ đi công tác xa đơn
vị phải kết hợp tốt giữa việc tự quản lý lẫn nhau với công tác quản lý của đơn
vị. Thực hiện chặt chẽ các quy định trong tuyển quân, xây dựng nguồn đào tạo sĩ
quan, quân nhân chuyên nghiệp, tuyển dụng công nhân viên quốc phòng và công tác
kết nạp đảng viên trong quân đội...
Bốn là, chăm lo
xây dựng tổ chức cơ sở đảng, các tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân trong
quân đội trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong đó, các
tổ chức cơ sở đảng phải thực sự là hạt nhân chính trị trong lãnh đạo việc củng
cố, giữ vững trận địa tư tưởng trong đơn vị để mỗi quân nhân có môi trường tốt
để phấn đấu học tập và rèn luyện. Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững
mạnh, trước hết phải tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh, tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương IV
(khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, làm cho tổ
chức cơ sở đảng vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu
cao. Đội ngũ cán bộ của các tổ chức và đảng viên phải phát huy vai trò tiền
phong, gương mẫu, nói, viết và làm theo Nghị quyết của Đảng; đặc biệt mỗi cấp
ủy, người chỉ huy và chính trị viên cần thường xuyên phát huy vai trò của các
tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân trong quản lý, xây dựng đơn vị vững mạnh
toàn diện. Luôn đứng vững trên lập trường tư tưởng của giai cấp công nhân để
xem xét, giải quyết những vấn đề của thực tiễn đặt ra. Nhạy bén, sắc sảo, chủ động,
kịp thời đấu tranh với những quan điểm, tư tưởng sai trái, bảo vệ chủ nghĩa Mác
- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường
lối, quan điểm của Đảng. Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh là điều
kiện để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, bảo đảm cho quân đội ta luôn vững
vàng, kiên định, về chính trị, tư tưởng, trong sạch về mặt tổ chức, giữ vững và
phát huy bản chất, truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam./.
Dương Thế Bằng
[1] V.I.Lênin,
Toàn tập, tập 12, Nxb Tiến bộ, M.
1979, tr.136.
[2]
Đảng Cộng sản Việt Nam ,
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, tr.82.
[3] Hồ Chí
Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, H.2001, tr.560.