Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Sử gia Pháp và chuyện kể về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(VOV) - Đó là những câu chuyện chưa được đề cập nhiều về vị đại tướng tài ba. Và bản thân tác giả cũng là một người lính đặc biệt...
Cuốn sách mới phát hành mang tên “Võ Nguyên Giáp” của tác giả người Pháp – Georges Boudarel không đơn thuần chỉ là những câu chuyện lịch sử về con đường quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà ẩn giấu bên trong cuốn sách còn là những góc cạnh ít được đề cập về vị đại tướng tài ba.

Bìa cuốn sách "Võ Nguyên Giáp" của tác giả Georges Boudarel

Chân dung vị Đại tướng khiêm nhường
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã đưa quân và dân ta đến với chiến thắng để giành trọn vẹn độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Ông cũng là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một thiên tài quân sự, và cũng là một nhà văn hóa lớn.
Cuốn sách “Võ Nguyên Giáp” thể hiện những quan niệm và sự ngưỡng mộ của tác giả Boudarel về ông. Đối với Bouderal, Võ Nguyên Giáp là sự kế thừa có chọn lọc những tư tưởng quân sự của các nhà Cách mạng hiện đại như Lenin, Mao Trạch Đông, và các nhà chiến lược quân sự kinh điển như Clausewitz và Tôn Tử. Trên hết, đấy còn là sự vận dụng trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh, với Đảng và Chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Võ Nguyên Giáp là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh tư liệu từ Hội sử học)
Nhưng nói đến Võ Nguyên Giáp, không chỉ nói đến sự nghiệp lừng lẫy đã đưa tên tuổi ông trở thành một nhân vật lịch sử vĩ đại, mà còn phải kể đến cả con người, nhân cách của một bậc đại tướng trong lòng nhân dân.
Trong câu chuyện đầy xúc động của các cựu chiến binh, vị đại tướng ấy hiện lên với chân dung của một con người với cuộc sống khiêm nhường, giản dị và vẫn lưu giữ được nhiều nếp sống của một nhà giáo ngay cả khi đã ở vị trí cao trên con đường quân sự.
Đặc biệt, Võ Nguyên Giáp còn là một người luôn dành sự tôn trọng với những người đồng đội. Dù ở vị thế của một Tổng tư lệnh oai nghiêm, nhưng đối với những cựu chiến binh đã từng chiến đấu bên ông, thì Võ Nguyên Giáp luôn là một người biết dành sự tôn trọng, tiếp thu các ý kiến đóng góp của những người đồng đội quanh mình trong xây dựng chiến thuật, góp phần quan trọng dẫn đến con đường giành thắng lợi.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng nhấn mạnh về sự ghi nhận công lao của những vĩ nhân như Võ Nguyên Giáp, như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó không phải sự ghi nhận của những bậc thần thánh được người đời tung hô, mà là sự ghi nhận công lao của những con người tồn tại thực, những con người bình thường với tinh thần đấu tranh và khả năng lãnh đạo tài giỏi. Và chính điều này lại khẳng định rõ hơn cho yếu tố tạo nên sự vĩ đại trong con người họ.
Những phẩm chất này cũng đều được Bourdarel khắc họa rõ nét trong cuốn sách mang tên “Võ Nguyên Giáp”, từ khi ông còn là một cậu bé 15 tuổi cho đến khi trở thành một vị tướng lĩnh tài ba.
Và người đồng đội đặc biệt...
Cuốn “Võ Nguyên Giáp” đã được hoàn thành và xuất bản bằng tiếng Pháp với tên “Giap” vào năm 1977. Tác giả cuốn sách – Georges Bouderal sinh ngày 21/12/1926 tại Saint-Estienne, Loire (Pháp). Ông được nhiều đồng đội người Việt yêu mến và gọi với cái tên thân thuộc là “Ông Bụt”.
Mặc dù là một người Pháp, nhưng Bouderal lại từng là thành viên của nhóm trí thức Mac-xit hoạt động công khai tại Sài Gòn năm 1947, và sau đó, xin ra Bắc để vào hàng ngũ Việt Minh, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Vào những năm 1950, Bouderal làm công tác địch vận, tham gia cải tạo tù binh Pháp. Ông cũng từng là phóng viên viết cho một số tờ báo thời kỳ này.

Georges Boudarel (phải) trong thời gian làm công tác địch vận và cải tạo tù binh Pháp (ảnh: Aurelien-Veron)
Năm 1964, ông trở về Pháp, bảo vệ luận án tiến sĩ sử học về đề tài Phan Bội Châu, sau đó làm giáo sư trường Đại học Paris VII, giảng dạy về lịch sử hiện đại Việt Nam. Cuốn sách “Võ Nguyên Giáp” chính là một phần trong luận án tiến sĩ của ông.
Georges Boudarel đã trở thành một nhà nghiên cứu về Việt Nam quan trọng và được giới học giả công nhận, với nhiều tác phẩm giá trị. Ông là một nhà nghiên cứu về đất nước, con người Việt Nam và đã có nhiều tác phẩm giá trị được xuất bản bằng tiếng Việt. Ông cũng là một dịch giả đã giới thiệu nhiều tác phẩm Việt Nam ra tiếng Pháp, như “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, “Đại thắng mùa xuân” của Văn Tiến Dũng...
Không giống với những người khác, Georges Boudarel không phủ nhận vai trò của mình, cũng không giấu đi quá khứ đã rời bỏ phía Pháp để theo Việt Minh. Ông nhìn nhận thẳng thắn vào lịch sử của Việt Nam mà bản thân ông có liên quan. Bouderal còn khẳng định những điều mình theo đuổi trong sự nghiệp thời chiến ấy, đấy là những gì đúng đắn.
Trong cuốn “Võ Nguyên Giáp”, tác giả có đề cập hẳn về những âm mưu hiểm độc của thực dân Pháp có ý định mua chuộc cậu học sinh trung học Võ Nguyên Giáp, nhưng kết quả đi ngược lại với mưu đồ. Những hiểu lầm về vị Đại tướng huyền thoại đã được tác giả làm rõ và tìm ra sự thật bằng những tài liệu phong phú và xác thực.
Nhắc đến Bouderal, nhà sử học Dương Trung Quốc vẫn bồi hồi khi kể về hình ảnh của Bouderal một mình sống trong ngôi nhà nhỏ ở Paris, rất khiêm nhường, mộc mạc mà ông gặp được khi tác giả người Pháp bước vào những năm tháng cuối cùng trong đời. Căn nhà có chứa rất nhiều sách và những tư liệu quý giá về lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Cùng với những tư liệu quý giá đó, phải đến thời điểm như hiện tại, cuốn sách “Võ Nguyên Giáp” của ông mới được giới sử học Pháp đánh giá là một trong những tác phẩm giá trị nhất viết về nhà quân sự lỗi lạc, nhân vật nổi bật của lịch sử hiện đại Việt Nam và thế giới thế kỷ XX.
Bản dịch tiếng Việt của cuốn sách cũng chính thức được phát hành tại Việt Nam từ ngày 12/12. Người đã đưa bản dịch thành công với độc giả trong nước chính là dịch giả Nguyễn Văn Sự. Bản thân ông Sự cũng rất tâm đắc với bản dịch cho cuốn “Giap” của Boudarel.
Mặc dù đây không phải cuốn sách đầu tiên, cũng không phải cuốn duy nhất viết về vị Đại Tướng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, nhưng cuốn sách mới này đã khắc họa một cách đầy đủ, cô đọng, chân thực nhất chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tiết lộ được nhiều câu chuyện mà ít người còn biết đến về Tướng Giáp.
Và đối với ông Sự, bản dịch này cũng thể hiện sự trân trọng, biết ơn tới Georges Bouderal, một người bạn Pháp, một người đồng đội đặc biệt với cả dân tộc Việt Nam./.

Võ Nguyên Giáp đồng nghĩa với Việt Nam

VOV.VN - Đối với thế giới, cái tên Võ Nguyên Giáp quen thuộc đồng nghĩa với Việt Nam, nên không cần phải phiên dịch, diễn giải.
Nhà thơ Đaghextan nổi tiếng thế giới Raxun Gamzatov thật có lý và cũng thật sâu sắc khi ông cho rằng, khi anh đi ra thế giới rộng lớn, người ta muốn biết anh là người thế nào, thì anh có thể chìa chứng minh thư, chìa tấm hộ chiếu ra, trong đó đã ghi mọi điều cần thiết. Còn nếu khi có ai hỏi một dân tộc, xem dân tộc đó thế nào, thì dân tộc đó cũng cần phải đưa ra "giấy tờ" của mình, là các nhà bác học, các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà hoạt động chính trị kiệt xuất hay các vị tướng lĩnh tài giỏi. Họ chính là “giấy thông hành” để dân tộc đó đi ra với thế giới rộng lớn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (Ảnh: TTXVN)

Có lẽ cũng vì thế chăng, mà có lần tham gia trong đoàn Việt Nam dự Festival thanh niên thế giới, tôi rất ngạc nhiên khi phái đoàn của ta vừa xuất hiện thì cả cầu trường vang dội những tiếng hô nồng nhiệt của cả một biển người trên hành tinh: "Hồ Chí Minh - Giáp Giáp! Hồ Chí Minh - Giáp Giáp!" Hồ Chí Minh thì đã rõ rồi. Bác là vị lãnh tụ lỗi lạc, là danh nhân văn hoá thế giới. Thế còn Giáp Giáp là gì? Tiếng Tây chăng? Tôi lần hỏi mới hay, họ đã hô vang tên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đối với thế giới, cái tên quen thuộc ấy đồng nghĩa với Việt Nam, nên không cần phải phiên dịch, diễn giải. Cùng với Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, vị tướng huyền thoại ấy, cũng đã trở thành cái giấy thông hành để dân tộc ta có thể hiên ngang đi vào cõi mênh mông bát ngát của xứ người.

Bây giờ thì vị tướng huyền thoại ấy đang ngồi trước mặt tôi. Một ông già hiền lành, đôn hậu. Nước da đỏ au, mái tóc bạc trắng như mây. Trông ông có dáng dấp của một ông Tiên trong những câu chuyện cổ tích dành cho con trẻ.
- Nhân dịp năm mới, tôi xin chúc Đại tướng khoẻ mạnh, hạnh phúc. Cầu mong Đại tướng luôn gặp những chuyện tốt lành.
- Mình cám ơn thiện tâm của các cậu!
Còn nhớ cách đây đã hơn chục năm, tôi cùng nhà văn Lê Lựu và nhóm phóng viên Tạp chí Văn nghệ quân đội đến gặp Đại tướng, và viết bài “Hỏi chuyện anh Văn” nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bài viết in trên Tạp chí Văn nghệ quân đội đầu tháng 5 năm 1994. Trung tuần tháng đó, tôi có dịp sang thăm Mỹ theo lời mời của của các nhà văn cựu chiến binh Mỹ. Nhà thơ nổi tiếng Mỹ Bruce Weigl cười tủm tỉm: "Tôi có xem bài viết của ông với ông Lựu trong thư viện của Trường đại học Harvard, cũng xem cả bức ảnh ông và ông Lựu chụp chung với tướng Giáp. Trong ảnh, tôi thấy tướng Giáp là người trẻ trung nhất, sau đó mới đến ông Lựu, còn người già nua nhất thì lại là... ông"
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cười hiền hậu:
- Họ đùa đấy! Dân nước ngoài họ rất hay đùa. Sự thật thì mình đâu còn trẻ mà cậu thì cũng đâu đã già!
- Vâng, tôi cũng biết là họ đùa, nhưng trong câu nói đùa ấy cũng hàm chứa ít nhiều sự thật, là cụ rất được yêu mến. Dân mình, lính mình yêu cụ đã đành, nhưng ngay cả những kẻ thù từng bị cụ đánh bại cũng rất kính phục cụ. Được kẻ thù của mình kính phục và trọng nể, kể cũng không phải dễ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp dường như không để ý đến câu nói ấy. Ông chỉ tủm tỉm cười. Nụ cười thật hiền hậu. So với lần gặp trước cách đây chừng chục năm, tôi thấy Đại tướng chẳng có gì thay đổi, mặc dù ông cũng đã qua cái tuổi cổ lai hy từ rất lâu rồi. Dường như Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra để chống lại tạo hoá. Sự già nua không đánh được vào ông. Một ánh mắt tinh nhạy, trẻ trung, một trí tuệ rất minh mẫn. Nhân ngày đầu xuân, tôi hỏi ông có bí quyết gì mà có được sức lực dẻo dai như thế? Ông cười hiền lành:
- Mình chẳng có bí quyết gì đâu. Chỉ chịu khó tập thể dục, sống thanh thản và không vẩn vơ nghĩ về cá nhân.
Theo cô con gái rượu của ông, giáo sư - tiến sĩ vật lý Võ Hồng Anh, thì hàng ngày, Đại tướng sống rất điều độ. Buổi sáng ông dậy sớm tập thể dục, rồi đi bách bộ quanh khu vườn. Bảy rưỡi ăn điểm tâm. Mỗi bữa thường chỉ có một bát xúp nhỏ, một lát bánh mì. Buổi trưa ông ăn rất ít. Tối cũng vậy, chỉ thêm bát xúp ngô với một ít rau tươi. Còn cơm, ông ăn không đầy một bát. Nhưng ngày nào ông cũng làm việc. Công việc vẫn bề bộn. Bắt đầu từ tám giờ sáng. Ông tiếp khách trong nước, quốc tế, hoặc dự hội thảo, thăm nơi này, nơi kia, theo kế hoạch mà đồng chí thư ký đã chuẩn bị từ trước. Rỗi thì ông đọc sách. Ông đọc khá nhiều. Đủ các loại sách. Sách quân sự. Sách khoa học. Sách danh nhân. Rồi tiểu thuyết. Rồi thơ. Rồi lý luận phê bình.
Đại tướng tặng tôi mấy cuốn sách, và cả những bài báo rất hay viết về khoa học, kinh tế mà ông thấy tâm đắc, ông phôtô tặng tôi. Tôi thực sự ngạc nhiên vì thấy ông đọc rất nhiều. Tôi hiểu vì sao ông có được sự minh mẫn đến thế. Trí tuệ loài người nằm hết trong sách. Không phải ngẫu nhiên, khi cô con gái rượu của Các Mác hỏi bố: “Công việc gì mà ba yêu thích nhất”. Mác đã trả lời: “Lục lọi ở trong sách.”
- Vừa rồi tôi có đọc cuốn hồi ký của anh Trà. Anh ấy có viết về tôi. Trong đó có một câu làm tôi rất xúc động: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người tiếc đến từng giọt máu của lính. Anh ấy là người rất hiểu tôi...
Nói rồi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi lặng. Gương mặt thâm thấm một nỗi gì hiu hắt. Trông ông như một đỉnh núi vừa tắt nắng. Hình như ông đang nhớ lại một thời oanh liệt đã qua. Trong trận Điện Biên Phủ, ông là Đại tướng Tổng tư lệnh, nhưng nắm chắc đến từng đại đội một. Nghĩa là ngay một anh đại đội trưởng dưới cơ sở cũng có thể báo cáo thẳng cho Tổng tư lệnh về đơn vị của mình, kể cả những con số hy sinh và thương vong.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người rất thận trọng. Vào trận, bao giờ ông cũng nắm rất chắc địa hình, tính toán thật chi li, cụ thể. Bộ đội hành quân, tập kết trận địa, nếu trong đội hình tiểu đoàn, hoặc đội hình trung đoàn, có trang bị từng loại vũ khí cụ thể thì đi hết bao lâu. Trận đánh diễn ra bao nhiêu phút, rồi sau đó anh em rút ra như thế nào cho thật an toàn trước khi máy bay địch ập đến. Chỉ khi nào Đại tướng tính toán kỹ lưỡng, tìm được cách rút lui sau trận đánh, để bảo toàn tính mạng cho từng người lính rồi, ông mới ra lệnh tấn công.
Thật bất ngờ khi một vị tướng huyền thoại, “bách chiến, bách thắng”, mà khi vào trận, ông lại quan tâm trước nhất là chuyện “rút lui”. Bí kíp giành thắng lợi của ông là thế chăng? Và ta cũng lại bất ngờ nữa khi biết, có trận thắng vang dội, người ta vỗ tay rầm trời, còn Đại tướng thì lặng lẽ khóc ở sở chỉ huy, vì mất nhiều lính quá. Nhiều khi cứ úp mặt xuống phên tre mà khóc. Nước mắt đầm đìa cả cái gối mây. Nhưng điều ấy thì không phải ai cũng biết được. Tôi chợt nhớ đến hồi Mậu Thân, nhớ đến câu thơ Hữu Thỉnh:
“Có trận đánh trở về/
Nhìn đống súng thừa như nhìn thừa đũa bát/
Thừa đến nỗi những người sống sót/
Cũng không nỡ nhận mình là may/
Hồi Mậu Thân toan tính biết bao điều...”
Có lẽ cũng vì thế mà Thiếu tuớng Nguyễn Chuông, Tư lệnh Quân đoàn 29, một trong những người lính quả cảm của tướng Giáp, khi về hưu, được quân đội chia cho ít đất để làm nhà, ông đã dành một khoảng đất để xây một cái miếu ngay ở trước cửa nhà để ông thờ lính. “Các em đã lặn lội theo anh vào sinh ra tử bao nhiêu năm nay, không may phải nằm lại dọc đường, bố mẹ già khuất núi rồi, vợ con lại chưa kịp có thì biết lấy ai hương khói trong những ngày tết nhất hay ngày rằm, mồng một. Anh may mà thoát chết, vừa được quân đội cho tý đất đây, anh lập cái am này để các em về đây quây quần với anh”. Rồi ông dặn dò con cháu, nếu không may ông có phải ra đi thì những ngày Tết hay ngày rằm, mồng một, hoặc ngày 27/7, chúng nhớ thay ông thắp hương cho những người lính của ông đã, rồi sau đó mới thắp cho ông.
Có lẽ cũng vì thế chăng mà khi tôi có nhã ý muốn được đọc một cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về chính mình thì ông đã từ chối. Thực tình thì ông cũng đã viết hoặc kể cho người khác viết. Nhưng đó là những trang hồi ký về Bác, về Đảng, về cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân. Đó là một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, là chuyện của lãnh tụ, của đồng bào chiến sĩ, là toàn bộ cuộc chiến tranh cách mạng được nhìn qua con mắt của một vị tướng. Còn thực sự vị danh tướng ấy thế nào, số phận ra sao, thì cho đến nay, vẫn chẳng có mấy ai biết.
- Đời mình có gì đâu mà viết. So với Bác Hồ, với đồng bào, chiến sĩ, mình chỉ là một giọt nước rất nhỏ giữa đại dương mênh mông...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói vậy. Ông vốn là một người rất đỗi khiêm nhường. Ông mong gì ư? Nếu có sức lực và có điều kiện, ông muốn được trở lại những vùng chiến trường xưa, thăm lại những người dân nghèo đã từng san sẻ với ông nửa củ sắn lùi, đắp chung với ông một cái chăn rách.
Tôi chợt nhớ đến một ông già bản mà tôi gặp trên đường vào Mường Phăng. Ông già hồ hởi:
- Chuyện Đại tướng chứ gì? Đại tướng thì tôi biết. Tôi cũng đã mấy lần gặp Đại tướng rồi. Vùng này là quê của Đại tướng đấy. Năm nọ Đại tướng có về quê. Đại tướng nói chuyện với đồng bào bằng tiếng dân tộc. Đại tướng là già làng của chúng tôi đấy. Nhà Đại tướng ở chỗ kia kìa...
Nói rồi, ông già chỉ lên núi Mường Phăng. Một dải rừng xanh um giữa mênh mông đồi trọc. Ở Điện Biên và cả mấy vùng lân cận, rừng cơ bản đã bị phá xong. Nửa đêm, tôi còn thấy những dải lửa cháy rừng rực vắt giữa lưng chừng trời. Đồng bào đốt nương đấy. Chẳng còn cách nào ngăn được. Đói thì phải phá rừng. Rừng núi nhiều nơi đã trơ trụi, nhưng Mường Phăng thì vẫn um tùm rậm rạp như rừng nguyên sinh. Tôi đã đi dưới những tầng cây ấy, nghe chim rừng hót ríu ran. Một làn suối âm thanh trong trẻo và mát rượi rót xuống từ lưng chừng trời. Không một rảnh cây nào bị chặt phá hay bị bẻ gẫy. Ở đây, người dân còn đói cơm, thiếu mặc, nhưng họ vẫn nâng niu gìn giữ khu rừng.
Họ tự đặt tên cho khu rừng là “Rừng Đại tướng”. Đấy là ngôi đền thiêng, ngôi đền xanh thiên nhiên mà người dân đã tự lập để thờ ông. Đối với vị tướng trận, đó là hạnh phúc lớn. Một hạnh phúc mà không phải ai cũng có được trong cõi trần này…/.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một con người huyền thoại

VOV.VN - Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã đưa ông lên tầm cao của các danh tướng thế giới.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sinh ngày 25/8/1911, tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Từ quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình, qua một hành trình dài: từ một nhà giáo, nhà báo, nhà sử học, nhà hoạt động cách mạng, ông đã trở thành một vị tướng kiệt xuất; một nhà chiến lược mưu trí, sáng tạo; một vị tổng tư lệnh văn võ song toàn; một nhà tổ chức hàng đầu của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Ngày 22/12/1944, tại Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân làm lễ thành lập với 34 chiến sĩ, do Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc tại chiến khu Việt Bắc năm 1949.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thị sát thị xã Cao Bằng vừa được giải phóng (1950).

Tháng 3/1954, Tướng Giáp họp bàn chuẩn bị đánh trận Điện Biên Phủ, sự kiện chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh B52 của Mỹ tập kích vào Hà Nội năm 1972 tại Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - không quân

Đại tướng trong chuyến kiểm tra vùng biển Quảng Ninh sau chiến dịch phá thủy lôi năm 1973.

Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gặp Đại tướng Văn Tiến Dũng sau ngày đại thắng (tháng 5/1975)

Tướng Giáp thăm Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế (4/1976).

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công trao tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp Huân chương Sao Vàng (20/8/1992).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại Điện Biên Phủ năm 1994.

Đại tướng tiếp Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara năm 1995.

Đại tướng hỏi thăm sức khỏe bà Nguyễn Thị Vĩnh (thọ 108 tuổi) ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) năm 1996.

Đại tướng tập thể dục tại Vũng Tàu.

Ông là một nhân vật đã đi vào huyền thoại, một trong những con người tiêu biểu nhất cho dân tộc Việt Nam hôm nay và mai sau.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ký ức những người cộng sự

VOV.VN -Trong ký ức của những người cộng sự, trợ lý một thời, Đại tướng là tấm gương sáng trong mọi lĩnh vực.
Trong ngôi nhà nhỏ ở phố Điện Biên Phủ, Hà Nội của gia đình Đại tá Nguyễn Văn Hiếu - người từng là trợ lý thân cận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời chiến, những bức ảnh đen trắng lưu giữ kỷ niệm với người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam được treo ngay ngắn ở vị trí trang trọng nhất.
Khi trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hiếu luôn gọi Đại tướng bằng cái tên thân thuộc, trìu mến mà những người cộng sự như ông thường gọi, đó là: “Anh Văn”.
Ông Hiếu còn nhớ như in những kỷ niệm của hơn nửa thế kỷ trước, khi được vinh dự là một trong những người trợ lý đầu tiên cho vị tướng tài ba của dân tộc.
“Anh Văn” đã rèn luyện, làm gương cho những người bên cạnh mình về tình yêu đất nước, đồng thời luôn gần gũi, quan tâm đến gia đình của các cán bộ, chiến sỹ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng không bao giờ coi trận chiến như một trận đánh cờ. Vì vậy, Đại tướng luôn cân nhắc để giành được thắng lợi cao nhất mà tổn thất về sinh mạng thấp nhất.
Ông Hiếu đã chứng kiến và cảm động vô cùng trước hình ảnh Đại tướng thức trắng đêm suy nghĩ để đi đến quyết định quan trọng mang tính lịch sử là chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc” ở chiến dịch Điện Phiên Phủ, vì trách nhiệm với vận mệnh của đất nước và sinh mệnh của chiến sỹ.
Từng làm trợ lý cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp suốt hơn 30 năm kể từ năm 1976, Đại tá Trịnh Nguyên Huân còn nhớ rất rõ: Sau nhiều năm làm việc, Đại tướng không hề biết ông mang quân hàm gì vì không quan tâm tới chuyện ấy. Những buổi làm việc với Đại tướng luôn diễn ra trên tinh thần bình đẳng và dân chủ, ai có ý kiến thì cứ phát biểu.
Đại tá Trịnh Nguyên Huân tâm sự: Ông đã học được rất nhiều từ người thầy ấy, một con người mà trong bất cứ lĩnh vực nào, từ quân sự của thời chiến sang giáo dục, khoa học của thời bình đều tìm mọi cách để đóng góp nhiều nhất cho dân, cho nước.
Trong quân sự là mệnh lệnh, nhưng trong khoa học, giáo dục lại đòi hỏi sự sáng tạo. Vì thế, Đại tướng đã tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, tự học hỏi rất nhiều về các lĩnh vực mới.
Đại tướng thường viết thư cho những cán bộ chủ chốt để tham khảo ý kiến, từ đó đã có được những quyết sách quan trọng về chiến lược phát triển khoa học, giáo dục trong thời kỳ mới.
Ông Huân nói: “Cả cuộc đời Đại tướng luôn luôn tự học, tự nghiên cứu, nghe ý kiến rất nhiều chiều từ một vấn đề, trước khi đi đến một quyết định. Cách làm việc rất dân chủ và khoa học và luôn luôn giải quyết vấn đề xuất phát từ thực tiễn”.
Đại tá Nguyễn Huy Toàn-người nghiên cứu về lịch sử tại Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, từng có nhiều năm giúp việc cho Đại tướng kể lại một kỷ niệm mà ông nhớ mãi.
Năm 1973, khi biết tin Đại tướng vào thị sát chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị, hàng nghìn chiến sỹ đã vào chiến trường, nấp trong rừng để được nhìn Đại tướng. Đến khi "bị phát hiện", Đại tướng hô đứng dậy, cả một rừng bộ đội vây quanh, hoan hô Đại tướng.
Đối với mỗi người lính, Đại tướng là người anh cả, người luôn được ngưỡng mộ, khâm phục. Đại tướng luôn nhắc nhở mọi người rằng, sống ở đời phải coi trọng hai chữ Nhân, Nghĩa.
Với vai trò là một nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, Đại tá Nguyễn Huy Toàn đã nghiên cứu rất kỹ về tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tá Nguyễn Huy Toàn nhận định: “Từ Trần Hưng Đạo đến Võ Nguyên Giáp gần 700 năm. Một người trong vòng 30 năm 3 lần đánh bại đế quốc là Nhật, Pháp, Mỹ. Trần Hưng Đạo 3 lần thắng quân Nguyên Mông. Một vị tướng được cả nhân loại kính trọng, tôn vinh, là vị tướng của mọi thời đại”.
Trong ký ức mỗi người cộng sự, từng được làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - “Anh Văn” luôn là người anh cả, là ngọn đuốc soi đường. Đó là những thước phim sống động về chân dung một danh tướng, nhà trí thức, nhà cộng sản chân chính./.
Nguồn: http://vov.vn

Những câu nói bất hủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trong cuộc đời cầm quân và giành thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh lớn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại nhiều câu nói bất hủ.
[Caption]Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại nhiều câu nói bất hủ
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại nhiều câu nói bất hủ. Ảnh: DPA
Cuối năm 1946, khi cuộc chiến tranh với thực dân Pháp là không thể tránh khỏi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi Võ Nguyên Giáp, tân Bộ trưởng Quốc phòng (thay thế luật sư Phan Anh), người cũng được Chủ tịch nước ủy quyền làm Tổng chỉ huy Quân đội Nhân dân và Dân quân tự vệ: "Nếu địch mở rộng chiến tranh trên miền Bắc, Hà Nội có thể giữ được bao lâu?". Bộ trưởng Giáp đã tự tin trả lời: "Có thể giữ được một tháng!".
Với nỗ lực của trung đoàn thủ đô và các lực lượng tự vệ và nhân dân Hà Nội, quân đội Việt Nam non trẻ đã cầm chân được quân đội Pháp tới hai tháng tại thủ đô, trước khi bí mật rút khỏi thành phố để bước vào cuộc kháng chiến kéo dài tới 9 năm.
Năm 1950, trước khi mở chiến dịch Biên giới, Võ Nguyên Giáp, khi đó đã mang quân hàm Đại tướng, đã cân nhắc việc có chọn đột phá khẩu là thị xã Cao Bằng hay không. Ông viết trong hồi ký: "Trong tư tưởng của tôi từ trước, điểm đột phá trên chiến trường này phải là Đông Khê".
Sau khi quân đội Việt Nam đánh Đông Khê, quân Pháp từ Cao Bằng và Lạng Sơn kéo sang phản công cũng đã bị đánh bại. Hai binh đoàn Le Page và Charton bị tiêu diệt hoàn toàn, toàn bộ tuyến biên giới Việt Trung từ Cao Bằng đến Đình Lập được giải phóng. Việt Nam dân chủ cộng hòa mở được cánh cửa giao lưu với các nước khối xã hội chủ nghĩa, từ đó nhận được những sự giúp đỡ to lớn để tạo dẫn tới chiến thắng Điện Biên 4 năm sau đó.
Trong chiến dịch Điện Biên, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã có một quyết định cực kỳ quan trọng, dẫn đến chiến thắng hoàn toàn cho quân đội Việt Nam, là chuyển từ phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc".
Sau nhiều đêm thức trắng trăn trở, tại cuộc trao đổi với trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh sáng 26/1/1954, đúng ngày dự kiến mở màn chiến dịch, Tướng Giáp đã nói: "Ý định của tôi là ra lệnh hoãn cuộc tiến công ngay chiều hôm nay, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc'".
Sau khi nhận được sự đồng thuận của ông Vi Quốc Thanh, tại Hội nghị Đảng ủy mặt trận diễn ra sau đó, Tướng Giáp đã có câu kết luận lịch sử:
"Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là đánh chắc thắng, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới".
Về sau, trong hồi ức "Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”, tướng Giáp đã thổ lộ: "Ngày hôm đó, tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình!".
Đánh giá về quyết định lịch sử này, tướng Lê Trọng Tấn, trong dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên, nói: "Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ". Còn tướng Vương Thừa Vũ nhận xét: "Nếu theo cách đánh cũ, thì cuộc kháng chiến chống Pháp có thể bị kéo dài thêm tới 10 năm".
Đánh thắng thực dân Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng quân đội của ông không được nghỉ ngơi lâu, mà phải tiếp tục bắt tay vào cuộc chiến đấu với quân đội Mỹ, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự đoán khi tướng Giáp đến Việt Bắc báo cáo về chiến thắng Điện Biên.
Năm 1972, trong một chiến thắng vang đội khác của quân đội Việt Nam trước cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của quân đội Mỹ vào Hà Nội, được ví như một trận "Điện Biên Phủ trên không", tướng Giáp đã có chỉ thị nổi tiếng tới các đơn vị phòng không Hà Nội: "Cả nước đang hướng về Hà Nội. Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ từng phút, Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương theo dõi cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội".
Sau khi quân đội của tướng Giáp giành chiến thắng trên bầu trời Hà Nội, Mỹ đã phải ký hiệp định Paris, rút quân khỏi Việt Nam, tạo tiền đề cho những chiến thắng sau đó của tướng Giáp.
Trong những ngày cuối cuộc kháng chiến thứ hai của mình, Tướng Giáp đã cho đánh đi bức điện lịch sử gửi các đơn vị tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam, sáng 7/4/1975: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!"
Kết thúc hai cuộc chiến tranh, khi nhìn nhận lại về cuộc chiến chống Pháp và đối thủ của mình là tướng Navarre, tướng Giáp đã nói với nhà báo, đạo diễn người Pháp Daniel Roussel: "Navarre là một tướng có tài, thua trận không phải là lỗi của ông ta, mà là lỗi của những người bắt đầu cuộc chiến".
Trong cuộc gặp đầu tiên với đối thủ người Mỹ, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara năm 1995, tướng Giáp cũng có rất nhiều câu nói rất đáng nhớ như: "Mỹ xâm lược Việt Nam là sai lầm. Mỹ không hiểu Việt Nam", "Chúng tôi biết là chúng tôi sẽ thắng ngay từ ngày đầu tiên”, hay "Từ 'lo sợ' không có trong tư duy quân sự của chúng tôi".
Đáp lại những lời ca tụng của báo chí phương Tây, ông nói: "Vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình".
Nhận định về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã trao cho mình cấp hàm Đại tướng và quyền Tổng chỉ huy quân đội, trong hồi ký của mình, Tướng Giáp đã viết: "Hồ Chí Minh là con người của những quyết định lịch sử".
Là một nhà quân sự, nhà giáo, nhà sử học, tướng Giáp luôn quan tâm đến lịch sử và thế hệ trẻ. Phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành Hội khoa học lịch sử Việt Nam nhiệm kỳ 3, khóa III năm 1996 với tư cách Chủ tịch danh dự hội, ông trăn trở: "Tôi vẫn còn có điều băn khoăn và hơn thế nữa là sự lo lắng, đó là vì sao kiến thức lịch sử lại không phổ biến sâu rộng được trong quảng đại quần chúng, như là giới trẻ?".
Nói về nghiệp cầm quân của mình, Tướng Giáp thổ lộ: "Hạnh phúc lớn nhất của người cầm quân là được ở bên chiến sĩ trên chiến trường".
Là một vị tướng trọn đời vì đất nước, vì nhân dân, khi được chúc mừng nhân dịp bước sang tuổi 100, tướng Giáp nói: "Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó".
Tiên Long

Tướng Giáp đại diện cho "Ý chí Việt Nam, văn hóa Việt Nam"

VOV.VN - Luật sư Mỹ Laurence Brahm nói rằng, thế giới đã mất đi một vị anh hùng.
Trong con mắt của các học giả nước ngoài nghiên cứu về Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là vị tướng huyền thoại khi chỉ huy những đội quân”chân đất” đánh thắng hai đế quốc hùng mạnh nhất thế giới là Pháp và Mỹ, mà sự ẩn sâu bên trong con người Đại tướng một triết lý về hòa bình, một ý chí, cốt cách văn hóa con người Việt Nam là điều mà các học giả quan tâm.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Laurence


Ông Laurence Brahm - Luật sư người Mỹ, Nhà kinh tế chính trị học chuyên nghiên cứu về Châu Á cho biết, ông đã chọn nghiên cứu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp như là điểm tiếp cận quan trọng để hiểu về Việt Nam, là yếu tố giúp ông có nhiệm kỳ công tác thành công trên cương vị là cố vấn cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-một lĩnh vực dường như không liên quan gì đến văn hóa, lịch sử, mà là lĩnh vực tài chính, tiền tệ.
Sau nhiều năm nghiên cứu, ông Laurence vừa viết xong và dự kiến sẽ cho xuất bản trong thời gian tới một cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tên gọi "Ý chí Việt Nam, văn hóa Việt Nam" .

Ông Laurence hiện đang làm việc tại Trung Quốc. Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Bắc Kinh đã có cuộc trò chuyện với ông.
PV: Là người ngưỡng mộ và từng dày công nghiên cứu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cảm xúc của ông thế nào khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời?.
Ông Laurance: Tôi cảm thấy thật bàng hoàng, khi nghe tin thông báo từ một người bạn ở Đại sứ quán Việt Nam. Tôi rất buồn và tôi muốn chia sẻ cảm xúc này này đến người dân Việt Nam.

Người dân Việt Nam mất đi một nhà lãnh đạo và thế giới cũng mất đi một vị anh hùng, đã đi vào lịch sử thế giới.
Tôi cho rằng, chỉ có vài người trên thế giới với những cống hiến của mình về trí tuệ và chiến lược cần phải được đặc biệt ghi nhận. Và tướng Giáp là người đã làm biến đổi lịch sử bằng chiến lược của mình chứ không phải chỉ bằng sức mạnh quân sự.
Do vậy tôi cảm thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời là tổn thất lớn vì ông chính là thiên tài lãnh đạo. Tôi muốn được chia sẻ những cảm xúc tiếc thương ông với người dân Việt Nam.
PV: Điều gì khiến ông muốn viết cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
Ông Laurence: Tôi đã làm cố vấn cho nhiều Công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Tôi tự hỏi rằng là một người nước ngoài làm thế nào có thể cố vấn về Việt Nam. Để làm được điều đó tôi phải bắt đầu như thế nào.
Qúa trình nghiên cứu đã cho tôi thấy, Võ Nguyên Giáp phải là một người hiểu sâu sắc tâm lí của người Việt Nam để có thể vận động và kêu gọi họ tiến hành cuộc chiến tranh thần thánh, chiến thắng những kẻ thù hùng mạnh trên thế giới như Mỹ- Pháp. Do đó tôi phải hiểu Việt Nam bằng cách tìm hiểu về ông Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người đã truyền khát vọng cho bất cứ người dân nào tại châu Á. Ông dạy chúng ta hiểu được tầm quan trọng của độc lập, khát vọng có độc lập và làm thế nào để có độc lập cho riêng mình.
Ông đã truyền cảm hứng đó cho người dân Việt Nam, giúp họ vượt qua những thách thức chiến thắng kẻ thù. Đó là một tinh thần mà bất kì thời đại nào chúng ta cần có, không chỉ trong chiến tranh mà còn trong các vấn đề kinh tế, tài chính toàn cầu hiện nay.
PV: Trong quá trình nghiên cứu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, điều gì để lại cho ông ấn tượng sâu đậm nhất ?.
Ông Laurence: Điều tôi ấn tượng nhất về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là sự hiểu biết của ông. Ông không chỉ là một vị tướng mà còn là một nhà lịch sử. Ông hiểu về lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam, vùng đất cũng như con người Việt Nam. Ông áp dụng những hiểu biết lịch sử này vào công việc.
Tại sao tôi lại nói như vậy, chúng ta hãy nói về sách lược. Một người chỉ huy khi đưa ra sách lược không chỉ dựa vào những lí thuyết về lịch sử, tài chính ...mà chúng ta phải hiểu về con người, vùng đất cũng như truyền cảm hứng cho người dân nơi đây. Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiểu được điều này và áp dụng rất thành công. Ông không những là vị tướng tài ba mà còn là một nhà tâm lí giỏi.
PV: Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, Thượng nghị sỹ John McCain –một người lính Mỹ từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam đã bày tỏ cảm xúc và thể hiện sự kính trọng đối với Đại tướng qua trang blog cá nhân của mình. Ông có thể cho biết người Mỹ nói chung có cái nhìn như thế nào về Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
 
Ông Laurence: Tôi nghĩ có nhiều góc cạnh khác nhau mà người Mỹ muốn hiểu thêm về tướng Giáp. Trước hết, trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, khi người Mỹ tham chiến, họ không biết làm thế nào để chiến thắng.
Rồi sau đó, họ không thể hiểu nổi tại sao một đất nước lạc hậu về kinh tế lại có thể đánh thắng một nước công nghiệp hùng mạnh như Mỹ vào thời điểm đó. Chiến thuật đánh du kích, trí thông minh của người Việt Nam đã làm nên chiến thắng và người Mỹ đã hiểu ra điều đó.
Hàng chục năm sau, khi các cựu chiến binh và nhiều người Mỹ nhìn lại cuộc chiến, họ đã ngưỡng mộ, khâm phục không chỉ đối với tướng Giáp mà người dân Việt Nam nói chung trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và bây giờ là công cuộc xây dựng nền kinh tế ngày càng thịnh vượng, một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Nhiều cựu chiến binh mà tôi biết muốn quay trở lại Việt Nam. Điều này có vẻ như không bình thường. Những người tham gia cuộc chiến thường không muốn quay trở lại nơi họ từng chứng kiến hoặc bản thân phải gánh chịu những nỗi đau vì không ai muốn nhớ đến sự khổ đau. Nhưng các cựu chiến binh đó muốn trở lại.
Đây cũng là điều mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề cập trong một tác phẩm của ông về chiến lược quân sự và cũng chính tinh thần của người dân Việt Nam đã khích lệ các cựu chiến binh quay trở lại Việt Nam.
Tôi nghĩ đây cũng là thời điểm mà Việt Nam và Mỹ bỏ qua quá khứ đau thương để tiến tới một kỉ nguyên mới. Tôi đã từng đọc bản tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ những nguyện vọng của người dân Việt Nam cũng giống người dân Mỹ những năm 1776. Do đó chúng ta hãy gạt bỏ quá khứ, hướng đến những kỷ nguyên hợp tác kinh tế chính trị tốt đẹp hơn.
PV: Xin cảm ơn ông./.