Ngô Khôn Trí
Bản đồ vị trí khu vực quần đảo tranh chấp giữa Anh và Argentina
Ngày 26/3/2013 vừa qua, chính phủ Argentina đã kêu gọi chính phủ Anh cùng ngồi vào bàn đàm phán về vấn đề chủ quyền quần đảo Malvinas mà phía Anh gọi là quần đảo Falkland. Nhưng chính phủ Anh đã từ chối viện lý do là 98,8% người dân sống trên quần đảo tranh chấp này mong muốn duy trì quy chế là vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh, căn cứ theo kết quả của cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 12/3/2013 .
Argentina tuyên bố rằng: “ Trước đây nước Anh đã vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc yêu cầu Anh và Argentina đàm phán đối với quần đảo tranh chấp và Argentina không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý của dân chúng trên đảo Malvinas vì trước đây Anh đã trục xuất người Argentina ra khỏi đảo đó”.
Để có được một nhận định đúng về tranh chấp giữa 2 nước, cần xem lại những diễn biến quan trọng trong lịch sử của quần đảo Malvinas – Falkland này .
Malvinas-Falkland là quần đảo nằm ở Nam Đại Tây Dương, có diện tích 12 173 cây số vuông, cách bờ biển Argentina chỉ có 483 km nhưng cách nước Anh tới 12 734 km, dân số chỉ có 2841 người (2012). Ngoài những hoạt động truyền thống về khai thác than, đánh bắt cá, cảng biển, những giếng dầu phong phú trong vùng là tài nguyên to lớn không chỉ giúp phát triển kinh tế cho người dân trên đảo mà còn cho cả nước Anh. Ước đoán trữ lượng của khu vực lên tới 3,5 tỷ thùng dầu và trị giá khoảng 35 tỷ USD.
Nguyên thủy, đó là những hòn đảo hoang vắng, người Patagonian Indians đã đến đầu tiên bằng những chiếc xuồng (canoe). Vì nằm trên vị trí có nhiều tàu bè qua lại nên các hòn đảo này đã bị chiếm đóng bởi Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Argentina.
Năm 1501, nhà mạo hiểm Tây Ban Nha, Amerigo Vespucci khi du hành vòng quanh vùng Nam Đại Tây Dương, đã quan sát các hải đảo này, nhưng ông ta không đặt tên cho chúng. Năm 1520, các thủy thủ của đoàn thám hiểm Magallan gọi các đảo đó là “Islas de Sansón y de los Patos” (“Islands of Samson and the Ducks”).
Năm 1690, thuyền trưởng người Anh, John Strong đã đến 1 eo biển nằm giữa các hòn đảo chính và đặt tên là “Falkland Sound”.
Năm 1764, nhà thám hiểm Pháp, Đô đốc Louis Antoine de Bougainville đã chiếm làm thuộc địa đầu tiên, đặt tên là Port St. Louis, ông là người Pháp đầu tiên đi vòng quanh thế giới trong thế kỷ 18.
Năm 1765, John Byron, người Anh, không biết sự hiện diện của Pháp nên đã khai thác phía tây của quần đảo, chiếm làm thuộc địa năm 1766 và đặt tên là Port Egmont.
Năm 1767, Pháp đã bán các quần đảo thuộc địa choTây Ban Nha với giá 603000 livres. Bougainville dùng số tiền đó để sửa chữa tàu và mua đồ dự phòng cho chuyến du hành vòng quanh thế giới.
Năm 1770, Tây Ban Nha đã dùng vũ lực tấn công Port Egmont, trục xuất cư dân Anh ra khỏi đảo. Việc này đã đưa 2 nước đến bên cạnh hố chiến tranh. Nhưng sau đó, Anh trở lại nhờ 1 hiệp ước hòa bình.
Năm 1774, vì áp lực kinh tế do bởi Chiến tranh Độc lập của Mỹ (1775-1783), Anh đơn phương quyết định rút khỏi các thuộc địa. Từ đó Tây Ban Nha bảo quản nhưng sau đó bỏ đi vào năm 1811.
Năm 1828, Argentina thành lập thuộc địa dùng làm nơi giam giữ tội nhân.Tháng 11 năm 1832 các tù nhân và hải tặc đã nổi loạn giết chết Thống đốc.
Căn cứ quân sự của Anh tại đảo Malvinas-Falkland
Tháng giêng năm 1833, lực lượng Anh trở lại, đưa dân của mình vào sinh sống và chiếm lấy làm căn cứ hải quân cho Hoàng gia Anh, sau đó biến thành 1 căn cứ chiến lược quan trong của Anh trong suốt 2 cuộc Đệ nhất và Đệ nhị Thế chiến.
Khi Anh trở lại, tại quốc hội Argentina, trưởng đảng Federal, ông Manuel Moreno đã đứng ra phản đối việc tái chiếm đóng của Anh. Từ đó trở đi cho đến năm 1849 việc tranh giành chủ quyền trở thành đề tài gây tranh cãi hàng năm trong quốc hội Argentina giữa 2 phái ôn hòa và hiếu chiến. Chính phủ Anh đã từ chối kháng nghị đầu tiên và làm ngơ không trả lời gì về các kháng nghị sau đó của chính phủ Argentina.
Vào năm 1850, một hiệp định thuộc địa, hay còn gọi là hiệp ước Arana-Southern, đồng ý khôi phục mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước, tuy không đề cập đến chủ quyền của các hải đảo nhưng trong bản đồ tài trợ (Sponsored map) chính thức có ghi nước Argentina bao gồm những hải đảo Mavinas/Falkland. Nhờ đó chính phủ Argentina đã không gởi thêm những kháng nghị nữa cho tới năm 1885.
Năm 1888, Argentina đưa ra đề nghị về chủ đề “trọng tài phân xử “ nhưng chính quyền Anh từ chối ngay. Khác với cuộc phản kháng của năm 1885, chính phủ Anh đã không thụ nhận bất cứ kháng nghị nào của Argentina nữa trong suốt thập niên 1940. Mặc dù các chính phủ kế tiếp của Argentina đều chính thức trình kháng nghị đến Vương quốc Anh. Chính phủ Argentina khai rằng đã gởi tất cà 27 kháng nghị cho chính phủ Anh và các cơ quan quốc tế nhưng không xác định rõ thời gian. Theo luật quốc tế , nếu giữa các kháng nghị có 1 khoảng gián đoạn 50 năm hoặc nhiều hơn thì những đòi hỏi lãnh thổ trở nên vô hiệu.
Sau Thế chiến thứ hai, đế quốc Anh suy yếu, các thuộc địa ở châu Á, châu Phi và vùng Caribbean giành lại được độc lập. Argentina nhận thấy đây là một cơ hội tốt để giành lại chủ quyền trên các quần đảo nên đã nêu rõ yêu sách của mình sau khi gia nhập Liên Hiệp Quốc vào năm 1945. Anh đề nghị đưa vụ tranh chấp ra Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague (vào năm 1947, 1948 và 1955 ) để tìm sự giàn xếp. Thế nhưng, trên mỗi cơ hội đó Argentina đều từ chối.
Năm 1964, Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Anh và Argentina tiến hành các cuộc đàm phán hầu tìm kiếm một giải pháp hòa bình về vấn đề chủ quyền mà nó “mang ý nghĩa tinh thần “ (bearing in mind) cho các quy định và mục tiêu của nghị quyết 1514 (XV) của Đại hội đồng Liên hợp quốc và lợi ích của người dân sống trên quần đảo Malvinas/Falkland.
Một loạt các cuộc đàm phán giữa hai nước đã diễn ra trong suốt 17 năm tiếp theo cho đến năm 1981, nhưng cũng không đạt được một thỏa thuận nào về chủ quyền. Mặc dù đã có một số thành công trong việc thiết lập các quan hệ kinh tế và vận chuyển giữa các đảo và Argentina.
Sau khi ký kết thỏa thuận truyền thông, ngày 03 / 7/ 1971 Không quân Argentina đã phá hũy sự cô lập các đảo bằng cách mở đường hàng không với một chuyến bay đổ bộ từ Comodoro Rivadavia. Năm 1972, Anh đồng ý cho phép Argentina xây dựng một đường băng tạm thời gần thủ đô Stanley theo yêu cầu của phía Argentina. Ngày 15/ 11/ 1972 một đường băng tạm thời đã được khánh thành với sự xuất hiện đầu tiên của 1 máy bay chở hành khách Fokker F-27, có 2 chuyến bay trong 1 tuần. Các chuyến bay được nâng cấp vào năm 1978 bởi Fokker F-28 (máy bay phản lực) nhờ một sân bay cố định do chính phủ Anh tài trợ. Đường hàng không này là phương tiện duy nhất để liên lạc giữa các đảo với nhau. được duy trì cho đến khi xảy ra chiến tranh giữa 2 nước vào năm 1982. Công ty dầu khí YPF của Argentina thường xuyên chịu trách nhiệm cung cấp năng lượng cho các hòn đảo này.
Trong khi đó, tại quốc hội Anh, chính phủ Anh hạn chế những vận động hành lang về việc trao trả chủ quyền lại cho Argentina. Bất kỳ biện pháp nào của Bộ Ngoại giao đề xuất về vấn đề chủ quyền đều bị kịch liệt lên án bởi 1 số người dân trên đảo (những người muốn ở lại với nước Anh). Vì thế chính phủ Anh duy trì vị trí tùy theo quyền tự quyết của ngưởi dân trên đảo. Thế nhưng Argentina thì không công nhận quyền tự quyết đó. Vì thế những cuộc đàm phán về vấn đề chủ quyền lại đi đến bế tắc.
Năm 1976, Argentina đưa 1 đội thám hiểm tới Nam Thule, một hòn đảo trong quần đảo Nam Sandwich mà tại thời điểm đó là một phần phụ thuộc quần đảo Falkland. Việc đổ bộ này đã được báo cáo về Anh vào năm 1978 nhưng chính phủ Anh tuyên bố bác bỏ ý định gửi một lực lượng Hải quân Hoàng gia đến để tháo dỡ các cơ sở Corbeta Uruguay của Argentina.
Vào năm 1977 đã xảy ra 1 cuộc đối đầu nghiêm trọng hơn khi Hải quân Argentina ngưng cung cấp nhiên liệu cho Sân bay Port Stanley và tuyên bố từ chối yêu cầu treo cờ Red Ensign của Anh khi bay vào vùng biển Malvinas. (Red Ensign hay Red Duster là lá cờ của hải quân Hoàng gia Anh). Anh cho rằng theo truyền thống, những chiếc tàu của nước ngoài khi đi vào vùng biển của một quốc gia khác phải treo cờ hàng hải của nước đó theo đúng trách nhiệm của mình. Chính phủ Anh nghi ngờ Argentina sẽ gởi thêm 1 đội thám hiểm nữa tới miền Nam Thule, nên Thủ tướng Anh lúc bấy giờ, James Callaghan đã ra lệnh cho một tàu ngầm hạt nhân ( HMS Dreadnought) và 2 tàu khu trục (Alacrity và Phoebe ) tới Nam Đại Tây Dương, với vai trò chuẩn bị giao chiến nếu xảy ra một cuộc đụng độ với hải quân Argentina. Anh đã có dự định thiết lập một vùng ngăn chận xung quanh các đảo , Sự kiện này đã được giữ bí mật cho đến khi xảy ra những cuộc tranh luận ở quốc hội Anh trong lúc chiến tranh với Argentina bùng nổ vào năm 1982.
Năm 1982, Argentina rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế trầm trọng với những náo động trong dân chúng chống lại sự đàn áp của chính quyền quân sự độc tài. Ngày 19/3/1982, Argentina đưa 60 công nhân lên hòn đảo Nam Georgia (thuộc quần đảo Falkland). Họ tháo dỡ một trại săn cá voi bỏ hoang, sau đó dựng ngọn quốc kỳ của Argentina, chính thức thách thức chủ quyền với Anh. Chính phủ Anh công kích việc chiếm đóng phi pháp của Argentina và yêu cầu rút lui. Vào ngày 2 tháng 4 năm 1982, Tổng tư lệnh hải quân Argentina, Jorge Anaya đã kết hợp với lực lượng bộ binh, đưa 8000 quân lính và 20 chiến xa đổ bộ lên quần đảo Falkland, nắm quyền kiểm soát, lấy lý do là vì họ đã dành được độc lập, thoát khỏi nền cai trị của Tây Ban Nha từ năm 1816 và Tây Ban Nha đã để lại các quần đảo đó cho họ.
Hải quân Anh xuất trận
Chính phủ Anh lập tức cắt đứt quan hệ với Argentina và ra sắc lệnh trả đũa. Thủ tướng Anh đương thời là bà Margaret Thatcher (mệnh danh là Iron lady) đã ra lệnh cho 27 000 lính và 100 tầu chiến bao gồm tàu sân bay, tàu khu trục, tàu ngầm,… xuất trận.
Ngày 3 /4 /1982 Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết 502, yêu cầu quân đội Argentina rút ra khỏi quần đảo và 2 bên phải đi tìm 1 giải pháp ngoại giao. Nghị quyết 502 này được thông qua nhờ có 10 phiếu ủng hộ, 1 phiếu chống (Panama) và 4 nước không tham gia bỏ phiếu (Trung Quốc, Liên Xô, Ba Lan và Tây Ban Nha). Một nghị quyết khác kêu gọi ngưng chiến nhưng đã bị Mỹ và Anh từ chối. Cộng đồng Âu châu lên án sự xâm lược và dùng hình phạt kinh tế đối với Argentina. Mặc dù có 1 vài nước trong EC bảo lưu ý kiến về chính sách của Anh. Đan Mạch và Ái Nhĩ Lan là 2 nước không hợp tác. Pháp và Đức đình chỉ các hợp đồng quân sự với quân đội Argentina. Mỹ viện trợ rất nhiều cho Anh ngay từ đầu nhưng đã ủng hộ làm trung gian hòa giải. Thế nhưng, khi những cuộc đàm phán thất bại thì Mỹ công khai ủng hộ lập trường của Anh.
Quân đội Anh bắt đầu phản công vào ngày 23/04/1982. Chiến tranh diễn ra trên biển và trên không. Argentina được sự hỗ trợ của Peru, Libya và Brasil, đã sử dụng chiến đấu cơ A-40 Skyhawks (của Mỹ) và Mirage (của Pháp) đánh chìm 3 chiến hạm Sheffield, Coventry và SirGalahad của Anh. Thế nhưng, nhờ ưu thế về quân lực nên sau 72 ngày giao chiến, cuối cùng ngày 14/6/1982, Anh bao vây và Argentina đầu hàng. Phía Anh có 225 lính tử vong, 3 cư dân chết 777 người bị thương và 59 tù binh. Phía Argentina có 649 lính tử vong, 1068 người bị thương và 11 313 bị bắt làm tù binh.
Quân đội Anh tại đảo Falkland
Kể từ 1/1/1983 chính phủ Anh trục xuất quân đội Argentina ra khỏi quần đảo và không cho phép người Argentina trở lại, số dân còn lại bị ép phải nhập quốc tịch Anh.
Quan hệ ngoại giao giữa 2 nước được nối lại vào năm 1990. Năm 2007 Argentina lại lên tiếng đỏi chủ quyền trên quần đảo Malvinas-Falkland, yêu cầu Anh trở lại bàn hội nghị nhưng Anh tiếp tục làm ngơ. Đến năm 2009, Thủ tướng Anh, Gordon Brown gặp Nữ Tổng thống Argentina, Cristina Fernandez de Kirchner, nói thẳng thừng rằng sẽ không có cuộc nói chuyện về chủ quyền của quần đảo Falkland nữa, không còn vấn đề gì tồn tại cần giải quyết cả.
Một cuộc trưng cầu dân ý trên đảo Falkland đã được tổ chức vào ngày 10 và 11/3/2013. với kết quả là 99.8% của 3000 dân trên đảo đã đồng ý ở lại dưới sự thống trị của nước Anh. Argentina cương quyết phủ nhận quyền tự quyết này của người dân trên đảo và nói rằng : Từ năm 1833, chính phủ Anh đã dùng vũ lực trục xuất người Argentina ra khỏi đảo rồi sau đó ngăn cản không cho họ trở lại. Argentina chỉ thừa nhận chính phủ Anh là đối tác hợp pháp trong đàm phán.
Ngày 18/3/2013, Nữ Tổng thống Argentina Cristina Kirchner yêu cầu Tân giáo hoàng Francis gốc Argentina đứng ra làm trung gian để giải quyết tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Malvinas/Falkland giữa Argentina và Anh.
Quân đội Argentina đầu hàng
Mặc dù quần đảo Malvinas-Falkland nằm trong thềm lục địa của Argentia tuân theo Hiệp ước Liên hiệp quốc về thềm lục địa( năm 1958) và chính phủ hiện nay của Argentina nỗ lực tìm mọi phương cách để buộc Anh ngồi vào bàn đàm phán giải quyết tranh chấp nhưng London vẫn làm ngơ. Việc đấu tranh giành lại chủ quyền của Argentina ngày càng trở lên khó khăn, gần như đi đến tuyệt vọng (Anh đã chiếm đoạt trên 180 năm). Đó là hậu quả của những việc làm thiếu sáng suốt, thiếu nhẫn nại và thiếu tầm nhìn xa của các chính phủ trước đây của Argentina.
Việc Anh làm ngơ không nhận kháng nghị của Argentina (cách hành xử của nước lớn) và sự giới hạn (bất lực) của Liên Hiệp Quốc cho thấy tư thế thấp kém của Argentina. Đáng lý ra, Argentina cần phải nhẫn nại, khiêm tốn hơn, chờ thời. Thế nhưng, Argentia đã không chịu nhẫn nhịn, từng bước tranh thủ quyền đối thoại khi Anh đề nghị đưa vụ tranh chấp ra Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague (vào năm 1947, 1948 và 1955).
Khi có được trong tay bản đồ tài trợ (Sponsored map) chính thức có ghi nước Argentina bao gồm những hải đảo Malvinas/Falkland, đã không gởi thêm những kháng nghị để củng cố và nâng vị thế của mình lên, đã không biết tận dụng những cơ hội để duy trì và tăng dân số của mình trên các đảo khi mở các chuyến bay đến các đảo.
Argentian đã không nỗ lực tranh thủ quan hệ ngoại giao tốt với các nước có mâu thuẫn với Anh, nhất là các thành phần tiến bộ trong quốc hội Anh cũng như trong Liên Hiệp Quốc ủng hộ việc trao trả lại thuộc đia.
Argentina đã không biết khiêm tốn, không đánh giá đúng sức mạnh của mình, chỉ vì muốn giải quyết sự mất đoàn kết trong nội bộ giữa 1 bên ôn hòa tiến bộ và 1 bên háu chiến bảo thủ, tránh bị chỉ trích là hèn nhát khiếp nhược, nên đã quá khích đưa quân đổ bộ chiếm lại các hải đảo trong khi quân lực còn yếu kém và không có đồng minh mạnh. Một hành động thiếu sáng suốt, thiếu suy xét về hậu quả của thành phần lãnh đạo háu chiến, yêu nước cực đoan này đã tạo cơ hội cho Anh trục xuất tất cả người dân Argentina trên các đảo. Điều quan trọng là đã tạo cho Anh có lý do chính đáng để ở lại trên các đảo chiếm đóng, có thêm đồng minh và có thêm tiếng nói mạnh trong Liên Hiệp Quốc. Tất cả những tài liệu nói về cuộc chiến đều cho thấy Argentina hoàn toàn không thể thắng được Anh. Có báo cáo nói rằng: Nếu Anh bị thiệt hại nặng khi giao chiến với Argentina thì có khả năng Anh sẽ thả bom nguyên tử lên đảo tranh chấp.
Việc đấu tranh giành lại chủ quyền trên các hải đảo từ 1 nước lớn là 1 nhiệm vụ vô cùng khó khăn vì không tranh thủ được sự ủng hộ của các nước lớn khác, bản thân các nước lớn đều là những nước đang có vấn đề với các thuộc địa mà họ đã và đang chiếm đóng. Sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc cũng bị giới hạn vì mọi nghị quyết của Hội đồng Bảo an chỉ được thông qua với sự nhất trí của 5 nước thành viên cố định. ( Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) Chỉ cần 1 nước thành viên cố định bỏ phiếu chống thì nghị quyết của Hội đồng Bảo an coi như bị phủ quyết.
Khi điều kiện chưa thuận tiện, cần phải nhẫn nhịn chờ thời (chứ không phải khuất phục), tranh thủ thời cơ giành từng vị thế đối thoại, mở rộng quan hệ ngoại giao với nhiều nước, tập trung phát triển kinh tế, đoàn kết mọi thành phần, quyết tâm dẹp tan những tệ nạn trong nước, nâng cao dân trí, đợi hoàn cảnh thuận lợi là phương sách tốt nhất hay chăng?
Montréal, ngày 3/4/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét