Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

DƯ LUẬN QUỐC TẾ TIẾP TỤC PHẢN ĐỐI TRUNG QUỐC VI PHẠM VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ, THỀM LỤC ĐỊA CỦA VIỆT NAM

Theo TTXVN, trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông, tại Pháp, ngày 11-5, Tướng Đ.Sép-phe, nguyên Tùy viên quân sự Pháp tại Việt Nam và Trung Quốc, nguyên cố vấn Bộ Quốc phòng Pháp và là một nhà nghiên cứu có uy tín về Biển Đông, nhận định rằng, bằng hành động đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc đã vượt quá các quyền hạn của mình và vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Tướng Đ.Sép-phe cho rằng, hành động của Trung Quốc là bước đi mới trong tổng thể các hành động hòng độc chiếm Biển Đông bằng cái gọi là "đường chín đoạn" mà Trung Quốc đã đưa ra trước đó. Theo TTXVN, trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông, tại Pháp, ngày 11-5, Tướng Đ.Sép-phe, nguyên Tùy viên quân sự Pháp tại Việt Nam và Trung Quốc, nguyên cố vấn Bộ Quốc phòng Pháp và là một nhà nghiên cứu có uy tín về Biển Đông, nhận định rằng, bằng hành động đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc đã vượt quá các quyền hạn của mình và vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Tướng Đ.Sép-phe cho rằng, hành động của Trung Quốc là bước đi mới trong tổng thể các hành động hòng độc chiếm Biển Đông bằng cái gọi là "đường chín đoạn" mà Trung Quốc đã đưa ra trước đó.
Cùng ngày, tại LB Nga, ông A.Xve-tốp, chuyên viên Hội đồng Đối ngoại Nga cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động được lên kế hoạch bài bản. Theo ông Xvetốp, các vụ gây hấn tương tự của Trung Quốc từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ, song lần này đi xa hơn và nguy hiểm hơn. Việc Trung Quốc huy động một đội tàu hùng hậu để hộ tống giàn khoan đã nói lên tất cả. Trong khi đó, ông V.Cô-lô-tốp, Trưởng bộ môn lịch sử các nước phương Đông thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Xanh Pê-téc-bua, nhấn mạnh sự bành trướng của TrungQuốc ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang gây căng thẳng, làm phương hại lòng tin trong khu vực. Cùng ngày, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu phương Đông (Nga) Đ.Mô-xi-a-cốp cũng khẳng định, hành động của Trung Quốc là hết sức nguy hiểm, không chỉ gây căng thẳng trong khu vực, mà còn phá vỡ các nỗ lực và kế hoạch nhằm xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị Trung - Việt nói riêng và giữa Trung Quốc với các nước khác nói chung.
Ngày 12-5, phóng viên TTXVN tại Luân Đôn cho biết, trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Anh, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao H.Xvai-ơ khẳng định: Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã khiến căng thẳng leo thang trên Biển Đông. Chính phủ Anh ủng hộ tuyên bố của EU đưa ra ngày 8-5 vừa qua và đã nêu vấn đề này với Chính phủ Trung Quốc ở cấp Bộ trưởng, kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tìm cách hạn chế căng thẳng leo thang.
Ngày 12-5, Nhật Bản đã bày tỏ ủng hộ việc các nhà lãnh đạo ASEAN kêu gọi kiềm chế và giảm leo thang căng thẳng ở Biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Phát biểu ý kiến tại cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Y.Xư-ga cho biết, Nhật Bản hy vọng các bên liên quan sẽ không thực hiện những hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng và hành động kiềm chế phù hợp luật pháp quốc tế. Theo ông Xư-ga, Nhật Bản "quan ngại sâu sắc" trước tình hình căng thẳng leo thang trong khu vực do hành động đơn phương của Trung Quốc.
Ngày 11-5, Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long hoan nghênh tuyên bố chung của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN về tình hình nghiêm trọng hiện nay ở Biển Đông. Thủ tướng Lý Hiển Long nêu rõ, mặc dù Trung Quốc coi các cuộc xung đột tại Biển Đông là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và các nước liên quan, tuy nhiên quan điểm nhất quán của Xin-ga-po và các nước ASEAN khẳng định rằng an ninh và ổn định của khu vực phụ thuộc vào những gì xảy ra tại vùng biển này, do đó ASEAN cần phải có quan điểm (về tình hình hiện nay ở Biển Đông). Trước đó, vào ngày 10-5, phát biểu ý kiến với báo giới bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Mi-an-ma, Bộ trưởng Ngoại giao Xin-ga-po, ông K.San-mi-gam khẳng định, Trung Quốc và các nước ASEAN cần thông qua một bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vì lợi ích của toàn khu vực.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Nây Pi Đô, Mi-an-ma ngày 11-5, Tổng thống In-đô-nê-xi-a B.Giu-đô-giô-nô nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập một Cộng đồng Chính trị, An ninh ASEAN để xử lý các mối đe dọa an ninh trong tương lai, cả ở khu vực Đông-Nam Á lẫn Đông Á cũng như trên phạm vi toàn cầu. Tổng thống Giu-đô-giô-nô nêu rõ, Cộng đồng Chính trị, An ninh ASEAN sẽ tăng cường năng lực chung để đối phó các mối đe dọa an ninh, cho phép ASEAN có được một lập trường, vai trò và vị trí chung để bảo vệ hòa bình, đối phó thách thức an ninh và chính trị phù hợp luật pháp quốc tế mà không cần dùng hành động quân sự. Thông qua Cộng đồng Chính trị, An ninh ASEAN, các nguy cơ xung đột ở Biển Đông có thể được giải quyết tốt hơn, góp phần tích cực hơn giải quyết các thách thức an ninh khác như xung đột lãnh thổ ở Đông Á liên quan Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên. Tổng thống Giu-đô-giô-nô nhấn mạnh, “Thông qua hợp tác ASEAN, chúng ta có thể thực hiện một khu vực hòa bình và ổn định”.
Tại Ô-xtrây-li-a, tờ Người đưa tin Xít-ni buổi sáng số ra ngày 11-5 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này cho biết, Ô-xtrây-li-a kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và chấm dứt các hành động có thể khiến căng thẳng gia tăng.
Tại Đức, ngày 12-5, Tiến sĩ G.Vin, một chuyên gia về Đông - Nam Á thuộc Viện Khoa học và chính trị Đức (SWP), đã phê phán hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo Tiến sĩ Vin, hành động của Trung Quốc không chỉ khiến Việt Nam mà nhiều nước khác cũng đặc biệt quan ngại. Ông nêu rõ "hành động này là một sự thụt lùi nghiêm trọng cho những nỗ lực nhằm giảm thiểu xung đột trên Biển Đông cũng như việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã được các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết". Ông khẳng định, hành động của Trung Quốc không nhằm thăm dò hay khai thác dầu mà chủ yếu để thực hiện yêu sách tuyên bố chủ quyền vô căn cứ đối với vùng biển của Việt Nam này, thể hiện chính sách sức mạnh của mình thông qua các hành động như chiếm đảo, tăng cường quân sự... trong suốt 30 năm qua.
Tại Cam-pu-chia, Chủ tịch Tổng hội người Cam-pu-chia gốc Việt Nam cho biết, những ngày qua, Việt kiều tại Cam-pu-chia đều lo lắng theo dõi tình hình từ quê hương. Bà con Việt kiều coi hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam là sự xâm phạm trắng trợn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bà con bày tỏ sự tin tưởng đối với những giải pháp rất mạnh mẽ và kiên quyết của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Ông Huỳnh Minh Phú, Chủ tịch Hội Việt kiều tại Phnôm Pênh bày tỏ sự tin tưởng vào các biện pháp của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đang áp dụng nhằm đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia mà vẫn duy trì được hòa bình và ổn định an ninh chính trị trong khu vực.
Tại Đức, chiều 11-5, khoảng 5.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập ở mọi miền nước Đức đã tập trung tại khu vực Quảng trường Pốt-xđam ở trung tâm thủ đô Béc-lin để bày tỏ tình đoàn kết, hướng về Việt Nam và phản đối hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông. Cùng tham gia tuần hành, ông S.Dom-mơ, Chủ tịch Hội Đức-Việt cho rằng, hành động của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, gây bất ổn cho an ninh khu vực và quốc tế. Trước đó, ngày 10-5, hàng trăm người Việt Nam tại TP Phranh-phuốc bên sông Mai và vùng phụ cận cũng tuần hành hòa bình, phản đối hành động của Trung Quốc trước cổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở Phranh-phuốc. Đoàn người mang theo biểu ngữ sau đó kéo tới Nhà ga Chính ở Phranh-phuốc.
Cùng ngày, hơn 2.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn và học tập tại CH Séc tập trung trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Pra-ha để phản đối việc Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Những người biểu tình đủ mọi lứa tuổi, đội mũ đỏ, áo đỏ in hình sao vàng, giương cao biểu ngữ bằng tiếng Việt, tiếng Séc và tiếng Anh phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc, hô vang các khẩu hiệu: "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam", "Trung Quốc rút khỏi Biển Đông", "Trung Quốc đưa ngay giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam"...
Tại Rô-ma, I-ta-li-a, đông đảo Việt kiều và lưu học sinh, sinh viên Việt Nam đang sinh sống và học tập tại nước này cũng phản đối mạnh mẽ hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Hội Sinh viên Việt Nam tại I-ta-li-a dự kiến tổ chức biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc vào ngày 17-5 tới. Ngoài ra, hội cũng sẽ tổ chức tọa đàm để mọi người bày tỏ tình yêu đối với đất nước, thể hiện quan điểm và thái độ trước hành vi ngang ngược của Trung Quốc.
Tại Ô-xtrây-li-a, ngày 11-5, Hội du học sinh Việt Nam tại TP Men-bơn đã ra tuyên bố kiên quyết phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Tuyên bố kêu gọi Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các lực lượng bảo vệ ra khỏi khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chấm dứt các hành động xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, đồng thời phải bồi thường những thiệt hại đã gây ra. Hội kêu gọi bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình và công lý ủng hộ nhân dân Việt Nam, cùng lên tiếng phản đối hành động gây hấn và khiêu khích của Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) đã ra thông cáo kêu gọi sinh viên Việt Nam đang sinh sống và học tập tại Pháp đoàn kết một lòng, cùng người dân trong nước hướng về Biển Đông, lên án mạnh mẽ hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam...
Ngày 12-5, Ban liên lạc cộng đồng người Việt Nam tại Xin-ga-po đã gửi thư tới các nhà lãnh đạo Việt Nam, bày tỏ phẫn nộ trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời khẳng định cộng đồng người Việt Nam tại Xinga-po sẵn sàng trở về nước, cùng đồng bào góp sức xây dựng và bảo vệ nước nhà. Bức thư của Ban liên lạc cộng đồng người Việt Nam tại Xin-ga-po nêu rõ hành động hiện nay của Trung Quốc ở Biển Đông là "sự vi phạm thô bạo luật pháp quốc tế và những nguyên tắc ứng xử hòa bình mà Trung Quốc và các nước Đông-Nam Á đã cam kết tôn trọng. Hành động này đi ngược lại chính tình cảm và nguyện vọng của đông đảo nhân dân Trung Quốc".
Dương Thế Bằng (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét