Trong vụ khiếu kiện Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông tại Tòa trọng tài quốc tế về Luật biển, Philippines muốn có một phán quyết trong đó có tuyên bố rằng yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông không phù họp với Công ước của Liên hợp quốc về luật biển 1982 (UNCLOS) và do đó không có giá trị. Philippines yêu cầu Tòa phân xử tư cách pháp lý của một vài thực thể nhất định tại Biển Đông và các hoạt động chấp pháp của Trung Quốc đã đi ngược với UNCLOS.
Phán quyết của vụ kiện sẽ có tác động chính trị nghiêm trọng. Trung Quốc thì cay cú. Các trọng tài thì đứng trước một mớ bòng bong chính trị và pháp lý.
Trung Quốc có thể phản ứng như thế nào?
Philippines được đề nghị phải nộp đơn yêu cầu với bản khiếu nại đầy đủ trước ngày 30/3/2014. Nếu Trung Quốc từ chối đáp lại, sau đó phiên tòa sẽ tiếp tục thảo luận về cả thẩm quyền tòa án cũng như tính pháp lý của vụ kiện. Vụ kiện này có thể đi đến những phán quyết khác nhau và mỗi phán quyết lại có các hệ quả riêng.
Trung Quốc có thể “tuyên bố bãi ước” nghĩa là rút khỏi Công ước Luật Biển. Việc “tuyên bố bãi ước” sẽ có hiệu lực sau một năm đưa ra thông báo và Trung Quốc vẫn phải tuân thủ theo phán quyết của Tòa án trong vụ Philippines kiện họ. Điều này cũng gây thiệt hại cho Trung Quốc nhiều mặt.
Một giả thiết khác, Trung Quốc có thể thay đổi lập trường và tham gia vào vụ kiện hoặc chí ít là khiếu kiện về thẩm quyền của hội đồng trọng tài. Không cần quan tâm đến phán quyết cuối cùng, Trung Quốc có thể tìm cách đàm phán về một thỏa thuận có lợi hơn cho phía Philippines, trong đó có việc khai thác chung. Hiện tại Trung Quốc dường như đang cố gắng cô lập và thuyết phục Philippines từ bỏ vụ kiện, và đổi lại cho việc Philippines từ bỏ vụ kiện sẽ là một thỏa thuận khai thác chung tại Bãi Cỏ Rong. Điều này tuy rất khó nhưng vẫn có khả năng xảy ra, do theo thời gian, áp lực ngoại giao và các chi phí chính trị cũng như phí tổn kinh tế của Vụ kiện sẽ tăng dần. ASEAN trong trường hợp này có thể đóng vai trò trung gian.
Một giả thiết khác là Trung Quốc sẽ làm rõ yêu sách của họ bằng việc nói rằng đường chín đoạn chỉ thể hiện chủ quyền đối với các đảo và đá mà đường này bao quanh. Tiếp theo đó, Trung Quốc có thể nói rằng nước này yêu sách các vùng EEZ và thềm lục địa từ những thực thể trên và rằng đường biên giới giữa những gì nằm trong quyền tài phán của họ và của các quốc gia ven biển tại Đông Nam Á là đường trung tuyến giữa các đảo được xác định theo pháp luật và đất liền. Khu vực này cũng không khác nhiều so với khu vực được bao quanh bởi đường chín đoạn.
Hiện tại, việc Trung Quốc từ chối tham gia và không tuân thủ với phán quyết nhiều khả năng sẽ khiến danh tiếng và thẩm quyền của tòa án nói riêng và của luật pháp quốc tế nói chung bị suy giảm. Nhưng Trung Quốc cũng sẽ không được các nước khác tôn trọng.
Trọng tài có thể sẽ phán quyết như thế nào?
Có thể thấy, hội đồng trọng tài đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Đầu tiên hội đồng trọng tài phải quyết định xem họ có thẩm quyền tiếp nhận vụ kiện hay không và liệu khiếu nại có được dựa hoàn toàn trên thực tế và luật pháp hay không. Những người ủng hộ Trung Quốc cho rằng trong khiếu nại của Philippines có nhiều sai lệch trên thực tế và có nhiều vấn đề vượt ra ngoài quyền hạn của Tòa trọng tài; rằng Philippines đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đàm phán vấn đề trên bình diện song phương như đã được quy định trong DOC. Philippines phản bác rằng khiếu nại của họ nhằm mục đích cụ thể vào vấn đề diễn giải và áp dụng các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia theo như UNCLOS, và do đó khiếu nại không thể bị bác bỏ.
Nếu hội đồng trọng tài quyết định rằng họ không có thẩm quyền, những người theo chủ nghĩa hiện thực sẽ có lý do để phê phán rằng “luật pháp quốc tế là vũ khí của chính trị”, và rằng luật pháp quốc tế được định hình bởi các cường quốc và luôn thiên vị những nước này. Và như thế luật pháp quốc tế đã bị xem thường.
Còn nếu hội đồng trọng tài quyết định rằng họ có thẩm quyền và đưa ra phán quyết về yêu sách đường chín đoạn và nếu Trung Quốc không tuân thủ theo phán quyết, Biển Đông sẽ càng bất ổn chính trị và pháp lý.
Do đó, nhiều khả năng Tòa sẽ đưa ra một phán quyết có tính dung hòa. Họ có thể quyết định họ có quyền tài phán và sau đó đề xuất một phương án thỏa hiệp trong đó công nhận rằng Trung Quốc có “danh nghĩa lịch sử” đối với một phần nguồn tài nguyên tại khu vực tranh chấp, nhưng Bắc Kinh cũng phải nhân nhượng bằng cách công nhận phần tài nguyên của phía Philippines.
Trong khi đó, Trung Quốc và Philippines có thể xem xét một thỏa thuận chung “không sử dụng vũ lực”. Khi bước này được thực hiện, Trung Quốc và Philippines có thể thổi luồng sinh khí mới cho COC.
Trung Quốc vừa gây sức ép vừa có những biện pháp "dỗ dành" để Philippines tự rút đơn kiện. Có tin rằng Tập đoàn dầu khí Philippines Philex đang đàm phán với đối tác phía Trung Quốc là CNOOC về một khả năng khai thác chung, với sự nhượng bộ nhất định có lợi cho Philippines. Điều này chưa có gì là chắc chắn.
Trong chuyến thăm Đông Nam Á tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc đề xuất việc ký kết “Điều ước hợp tác láng giềng hữu nghị giữa các nước ASEAN và Trung Quốc”. Nhưng nếu biển Đông Nam Á tiếp tục bất ổn định, an ninh trên biển không đảm bảo, Trung Quốc tiếp tục khủng bố ngư dân các nước, một điều ước như vậy có đáng để các nước Đông Nam Á xem xét không? Tất nhiên là không rồi vì nó quá vô lý. Trung Quốc đang rất cần Đông Nam Á không kém gì Đông Nam Á cần Trung Quốc./.
Lưu Việt