Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

GIẢI MÃ “GIẤC MỘNG TRUNG HOA”CỦA CHỦ TỊCH TẬP CẬN BÌNH

TTXVN (Hong Kong 12/11)
Ngày 9/11, đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu tổ chức Hội nghị Trung ương 3 khóa 18. Hội nghị quan trọng này là chìa khóa để “giải mã” triết lý cầm quyền của nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình – người sẽ điều hành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong 9 năm tới.
Theo thông lệ, trong một chu kỳ 7 phiên họp toàn thể tại mỗi khóa Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, các phiên đầu tiên và phiên thứ hai thường tập trung vào những vấn đề nhân sự và phiên thứ ba bàn về chính sách. Điều gì diễn ra tại Hội nghị Trung ương 3 lần này? Hội nghị này cho chúng ta biết những gì về nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình? “Giấc mộng Trung Hoa” của ông dường như bao gồm cả quyền kiểm soát chính trị cứng rắn và triển vọng về tự do hóa kinh tế? Sau đây là nội dung bài phỏng vấn Roderick MacFarquhar, giáo sư Lịch sử và Khoa học chính trị tại Đại học Harvard, đăng trên trang mạngHồ sơ Trung Quốc:
Hỏi (+): Chính phủ mới của Trung Quốc dưới thời nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đang thẳng tay đàn áp xã hội dân sự và siết chặt kiểm soát mạng Internet. Tuy nhiên ông Tập Cận Bình cũng đang trừng phạt các quan chức tham nhũng, trong đó có Bạc Hy Lai và các đồng sự, các thư ký của Chu Vĩnh Khang, một cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Bạn Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Vậy liệu ông Tập Cận Bình có thực sự muốn làm những điều này?
Trả lời (-): Ông Tập Cận Bình đã thể hiện rất rõ ràng từ thời điểm trở thành Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc rằng ông đã bị ám ảnh, giống như các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc cũng từng bị ám ảnh tương tự, với hội chứng Gorbachev. Ông nhận thấy, giống như Thủ tướng Lý Khắc Cường, rằng cần thiết phải cải cách kinh tế sâu rộng – những cuộc cải cách thực sự rất quan trọng và rất khó khăn. Tuy nhiên, điều họ lo ngại là họ không biết cuộc cải cách nào có thể là cuộc cải cách giúp loại bỏ tình trạng kiểu Gorbachev, tình trạng mà cải cách này nối tiếp cải cách khác và trước khi biết nó là gì thì cả đất nước và toàn bộ hệ thống đảng đã sụp đổ. Vì vậy, khi tiếp cận những cuộc cải cách kinh tế này, ông Tập Cận Bình muốn đảm bảo rằng sẽ không có vấn đề gì tác động tới đất nước. Ông không biết chính xác những gì đã khiến Trung Quốc phát triển hội chứng Gorbachev, nhưng điều ông có thể làm là ngăn chặn những thứ theo kiểu mà Gorbachev đã cho phép. Gorbachev ủng hộ tất cả các hình thức tự do ngôn luận dưới thuyết Perestroika (một chính sách cải tổ chính trị và kinh tế), song Tập Cận Bình sẽ không chấp nhận điều đó. Chính phủ đã ban hành các hướng dẫn “7 không” về những gì người dân không thể nói, và ông Tập Cận Bình sẽ trở nên cực kỳ khắc nghiệt bởi ông cảm thấy trước hết, đó là một cách để bảo vệ chế độ, và hai là nó đặc biệt quan trọng khi những thay đổi sâu rộng và có lẽ là đáng lo ngại về kinh tế được khởi xướng.
Tại sao ông Tập Cận Bình lại tấn công những quan chức tham nhũng? Đó là vì như cựu Chủ tịch Hồ cẩm Đào đã từng nói – tham nhũng có thể là sự kết thúc của một chế độ. Và theo những gì Tổng biên tập tờ Nhân dân Nhật báo (cơ quan ngôn luận của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc) thường nói, tham nhũng ngày nay tồi tệ hơn nhiều so với thời Tưởng Giới Thạch khi chế độ của ông này sụp đổ. Vì vậy, đó là một điều đáng lo ngại. Câu hỏi thực sự là họ có trừng phạt bất kỳ kẻ tham nhũng nào, bao gồm cả các thành viên của ban lãnh đạo cấp cao, hay không? Chắc là họ sẽ không làm như vậy. Họ không thể. Bởi vì điều đó sẽ gây chia rẽ nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc. Gia đình của ông Tập Cận Bình đã được hưởng lợi rất nhiều từ thực tế ông trở thành một nhà lãnh đạo, do đó, ông cần bảo vệ tổ ấm của mình. Ông Tập Cận Bình cho biết ông sẽ nghiêm trị cả “những con hổ và những con ruồi” (các quan chức cấp cao và cấp thấp trong đảng Cộng sản Trung Quốc). Cho đến nay ông đã nghiêm trị được “những con ruồi và những con mèo”. Nếu ông công khai xử “con hổ” Chu Vĩnh Khang (người từng được coi là “ông vua an ninh” của Trung Quốc) vì tội tham nhũng, mặc dù người ta biết các chính trị gia sẽ bị liên đới rất nhiều bởi Chu Vĩnh Khang là một đồng minh của Bạc Hy Lai, thì mọi người sẽ bắt đầu chú ý. Nhưng nếu ông Tập Cận Bình xử lý Chu Vĩnh Khang thì tất cả mọi người đều bắt đầu cảm thấy lo lắng.
+ Tuy nhiên, họ đang nỗ lực đi đến đâu? Với sự kiểm soát ngặt nghèo về mặt chính trị cùng những “cuộc cải cách thị trường” về mặt kinh tế, liệu Trung Quốc có trở thành một nước giống như Singapore?
- Nếu Trung Quốc trở thành một Singapore khác, đó sẽ là điều tuyệt vời. Singapore không phải là một nền dân chủ hoàn hảo, nhưng ở đó có tự do ngôn luận hơn so với ở Trung Quốc. Và có thể những gì ông Tập Cận Bình muốn Trung Quốc trở thành sẽ là một xã hội có kỷ luật chính trị, với việc không có những Lưu Hiểu Ba, không có những người ký bản Hiến chương 08, tất cả mọi người đều rất kỷ luật, và mọi người đều tập trung vào cải cách kinh tế. Tại sao vậy? Bởi vì nhiều nhà kinh tế nói rằng họ sẽ thay đổi rất nhiều khi họ thành công. Và dường như ông Lý Khắc Cường rất quan tâm tới việc thúc đẩy những cuộc cải cách này. Vì vậy, những gì ông Tập Cận Bình đang làm là nhằm đảm bảo rằng đấu trường chính trị ổn định để công cuộc cải cách kinh tế có thể được thực hiện một cách êm đẹp.
+ Một số nhà quan sát Trung Quốc cho rằng có sự chia rẽ giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, rằng ông Tập Cận Bình là một người theo chủ nghĩa cộng sản Mao Trạch Đông, trong khi ông Lý Khắc Cường lại ủng hộ tư tưởng thị trường. Tuy nhiên, liệu người ta có tin rằng trên thực tế họ đang hợp tác và có sự đồng thuận với nhau?
- Có thể chúng ta sẽ nhớ tới một câu chuyện trong những năm 1990, dưới thời Chủ tịch Giang Trạch Dân, đã có một cuộc thảo luận và người ta quyết định rằng sau khi Giang Trạch Dân và Hồ cẩm Đào mãn nhiệm, những người thừa kế cuối cùng nên là những “ông hoàng con”, bởi vì những “ông hoàng con” này có nhiêu lợi ích đặc quyền đặc lợi – xét về quan điểm gia đình của họ – nhiều hơn bất kỳ ai trong chế độ.
Bất cứ ai đang ở trong một chế độ như của Trung Quốc, cho dù là “ông hoàng con” hay không, đều muốn bảo vệ nó. Và họ sẽ làm bất cứ điều gì để chế độ đó không biến mất, bởi nó rất có lợi cho họ và, theo quan điểm của họ, cho cả đất nước nữa. Các “ông hoàng con” có thể cảm thấy việc gìn giữ niềm tin là nghĩa vụ gia đình đối với cha mẹ và ông bà của họ, nhưng thực sự thì hầu hết các quan chức đều muốn duy trì hệ thống hiện nay.
+ Những chiến thuật cứng rắn của chính phủ hiện nay đã khiến một số quan chức, trí thức và các nhà báo cảm thấy khó chịu. Vậy đối với những người bình thường thì sao? Liệu họ có cảm thấy áp lực? Hay họ nghĩ rằng đó không phải việc của mình?
- Còn nhớ những gì đã xẩy ra khi có những chiến dịch chống tha hóa nhân cách trong những năm 1980. Chiến dịch này đã chấm dứt vì Đặng Tiểu Bình được thông báo, như là kết quả của các chiến dịch chống tha hóa nhân cách, rằng những người nông dân đã ngừng đầu tư vào đất đai. Tại sao vậy? Bởi những người nông dân không phải là những kẻ khờ dại: họ đã học được từ thời kỳ của Mao Trạch Đông rằng “chắng ai có thể sống một mình”. Nếu bạn để cánh tả gây ảnh hưởng đến một phần của xã hội thì cuối cùng nó sẽ gây ảnh hưởng tới chính bạn. Có bao nhiêu người biết Lưu Hiểu Ba là ai trước khi ông bị giam giữ? Có lẽ không nhiều. Nhung người dân Trung Quốc không ngốc nghếch tới mức không nhận ra, đặc biệt là trong thời đại Internet, khi người ta đang bị bắt và thậm chí bị loại bỏ, những gì sẽ xẩy ra với họ ở một giai đoạn khác?
+ Sau Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đã từng nói: “Trung Quốc nên duy trì cảnh giác chống lại phe cánh hữu nhưng chủ yếu là chống phe cánh tả”. Và trên thực tế, phe cánh tả trong đảng Cộng sản Trung Quốc đã bị hạn chế từ khi bắt đầu các cuộc cải cách hơn ba thập kỷ trước đây. Tuy nhiên, tại sao các nhà lãnh đạo hàng đầu như Hồ cẩm Đào, Tập Cận Bình và Bạc Hy Lai vẫn tiếp tục đi theo con đường của Mao Trạch Đông?
- Có một số lý do giải thích tại sao những người như Bạc Hy Lai và Tập Cận Bình phải chấp thuận, và đi theo đường lối của Mao Trạch Đông. Đầu tiên và quan trọng nhất là tên của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông – chính cố Chủ tịch Mao Trạch Đông và những gì ông đã làm cho Trung Quốc – là sợi dây kết nối vô cùng quan trọng giữa nhà nước và xã hội với nhau. Nếu bạn muốn có một xã hội hưởng ứng mình thì Mao Trạch Đông chính là một cái tên được nhắc đến đầu tiên. Đảng Cộng sản Trung Quốc không còn nhận được sự tôn trọng của người dân như trong những năm 1950 và 1960. Cố Chủ tịch Mao Trạch Đông là biểu tượng của đất nước. Họ không thể đưa ông ra khỏi Quảng trường Thiên An Môn, và họ không thể gỡ bức chân dung của ông xuống. Điều đó sẽ giống như việc đặt câu hỏi rằng “Toàn bộ cuộc cách mạng là vì điều gì?”
Thứ hai, người dân, chủ yếu là dân thường, nhìn lại những tháng ngày dưới thời Mao Trạch Đông với một sự tin tưởng lớn lao. Có nhiều ngôi nhà của những người nông dân treo bức hình của Mao Trạch Đông cạnh bức hình của Đức Phật, và một số người tin rằng xã hội dưới thời cố Chủ tịch Mao Trạch Đông công bằng hơn, rằng tất cả mọi người đều nghèo. Trên thực tế, cố Chủ tịch Mao Trạch Đông không hề nghèo. Trong khi đó, ngày nay, sự phân phối thu nhập vô cùng khác nhau và có một khoảng cách lớn giữa người giầu và người nghèo khiến mọi người nhìn lại những ngày tháng dưới thời Mao Trạch Đông với niềm khát khao. Vì vậy, các nhà lãnh đạo phải cúi đầu trước cố Chủ tịch Mao Trạch Đông một lần nữa để cho thấy họ tôn trọng hình thái xã hội đó, ngay cả khi họ không điều hành một nhà nước giống như vậy.
Thứ ba, giới trí thức đang có sự phát triển mạnh mẽ. Đó là những người đã từng ủng hộ chính sách của Mao Trạch Đông trong nhiều năm, và vì những điều nói ở trên về những người phẫn nộ với sự bất bình đẳng của xã hội mới, những trí thức này nhận được sự hậu thuẫn của một số người và có được sự lắng nghe của mọi người. Sự kiện Bạc Hy Lai nói lên rằng Bạc Hy Lai đã rất nổi tiếng không chỉ ở Trùng Khánh mà còn ở các tỉnh lân cận. Bởi vì mọi người nghĩ rằng ông ta đã quay trở lại với quan điểm của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người không tin điều đó. Mặt khác, Chủ tịch Tập Cận Bình không muốn thực hiện Cách mạng Văn hóa hay Đại nhẩy vọt hoặc bất cứ điều gì giống như vậy, song ông đã đi theo đường hướng của Mao Trạch Đông vì, hãy nhớ rằng, cha của ông Tập Cận Bình (cố Phó Thủ tướng Tập Trọng Huân) từng là đồng chí của Mao Trạch Đông. Cho đến khi bị Mao Trạch Đông thanh trừng, cha của ông Tập Cập Bình đã có một vị trí rất cao trong chính quyền cộng sản, như một kết quả sau chiến thắng của Mao Trạch Đông. Vì vậy, chiến thắng này, đưa những người cộng sản lên nắm quyền, vẫn còn quan trọng đối với tính hợp pháp của chính quyền hiện hành. Cuộc Cách mạng Văn hóa đã làm suy yếu tính hợp pháp của quyền lực. Tuy nhiên, ngay cả khi bị cáo buộc về tội gây ra Cách mạng Văn hóa, Mao Trạch Đông bằng cách nào đó vẫn hợp pháp hóa được đất nước hiện nay.
+ Tuy nhiên, hầu hết các chính sách và tư tưởng của Mao Trạch Đông đã hoàn toàn bị loại bở khỏi Trung Quốc kể từ khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu cuộc cải cách của Trung Quốc. Đối với rất nhiều thanh niên Trung Quốc, Mao Trạch Đông là một hình ảnh khá mơ hồ. Trong hoàn cảnh này, liệu chủ nghĩa Mao ít và bản thân Mao Trạch Đông vẫn có thể gắn kết xã hội và nhà nước với nhau?
- Họ không có gì. Và mọi người sẽ đi tới nơi nào trên cuộc hành hương đến Bắc Kinh? Hàng chục nghìn người mỗi tháng đến thăm lăng cố Chủ tịch Mao Trạch Đông. Trong trường tiểu học và trung học cơ sở, học sinh được học về cố Chủ tịch Mao Trạch Đông, như trẻ em ở Anh tìm hiểu về William Người Chinh phục – người đã vượt biển vào năm 1066. Đó là câu chuyện cách đây hàng trăm năm, nhưng họ vẫn biết về điều đó. Thời Mao Trạch Đông thì chỉ cách đây 60-70 năm. Ông đã chiến thắng – thống nhất Trung Quốc. Đó là một chiến thắng vĩ đại. Ông đã thiết lập một chế độ mới. Ông thành lập đất nước Trung Quốc mới. Vì vậy, tất nhiên ông vẫn được xem là một nhân vật anh hùng trong nền giáo dục của Trung Quốc.
+ Liệu mọi người có tiếp tục sử dụng những ý tưởng của Mao Trạch Đông? Trung Quốc đã thay đổi đáng kể từ khi Mao Trạch Đông lãnh đạo Trung Quốc.
- Hầu hết mọi người trong phần lớn thời gian ở hầu hết các nước không nghĩ về chính trị. Đặc biệt là nếu họ nghèo, họ chỉ nghĩ về thực phẩm, chi phí sinh hoạt và nền giáo dục tốt hơn cho con cái họ. Trong ba mươi năm qua, đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc sống nói chung của một người bình thường có vai trò nhỏ hơn nhiều so với thời Mao Trạch Đông và ngay cả so với thời Đặng Tiểu Bình.
Vì vậy, hầu hết mọi người không lắng nghe đảng Cộng sản Trung Quốc nói về Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, Mao Trạch Đông ở một nơi nào đó đằng sau tâm trí của họ, vì hình ảnh của ông vẫn được đưa vào giảng dậy trong nền giáo dục của Trung Quốc, có một tượng đài ở đó và một bức chân dung Mao Trạch Đông ở đó. Hiện nay, họ có tin vào tư tưởng của Mao Trạch Đông hay không? Điều đó phụ thuộc vào việc những tư tưởng ấy là gì. Một số tư tưởng của Mao Trạch Đông đã được Đặng Tiểu Bình kế thừa: “Tìm kiếm sự thật từ những thực tế”, đó là tư tưởng của Mao Trạch Đông, và nó thực sự là một tư tưởng của Trung Quốc cổ đại mà Mao Trạch Đông đã tiếp thu được, nhưng nó được gán cho là của Mao Trạch Đông. Và “nêu chúng ta có sức mạnh ý chí và quyết tâm, chúng ta có thể làm bất kỳ điều gì”. Đó là điều đang phát triển và ngày càng lớn mạnh ở một đất nước như Trung Quốc. Vì vậy, có một số điều – những điều đơn giản,- mà họ sẽ tin vào.
+ Vậy còn những di sản khác của Mao Trạch Đông, như các phong trào quần chúng mà Bạc Hy Lai đã sử dụng ở Trùng Khánh và ông Tập Cận Bình đang sử dụng hiện nay thì sao?
- Phong trào quần chúng là kẻ thù của các hình thức cải cách kinh tế mà Thủ tướng Lý Khắc Cường và ê kíp của ông định đưa ra. Phong trào quần chúng có chỗ đứng riêng trong một xã hội đang phát triển ở giai đoạn đầu. Nếu muốn thuyết phục người nông dân làm một điều gì đó và cần phải huy động họ làm những công việc cơ bản, như làm những con đập…, thì phong trào này sẽ phát huy tác dụng. Tuy nhiên những gì chúng ta đã thấy trong giai đoạn cải cách là nêu đưa ra sự khuyến khích tài chính, mọi người sẽ đi từ miền Bắc xuống miền Nam của Trung Quốc để kiếm được một công việc trong một nhà máy với mức lương tối thiểu. Họ sẽ ngủ trong những khu nhà tập thể xa gia đình bởi nó mang lại cho họ có một cơ hội xoay xở. Vì vậy, khả năng chế độ này thực hiện phong trào quần chúng là không cao.
+ Liệu chủ nghĩa Mao ít sẽ không chết, hay biến mất khỏi Trung Quốc, bởi vì các nhà lãnh đạo khác sẽ tiếp thu nó ngay cả khi không có Bạc Hy Lai?
- Chủ nghĩa Mao Trạch Đông sẽ không biến mất khỏi Trung Quốc cho đến khi chế độ thay đổi, điều này sẽ dẫn đến việc gỡ bỏ bức chân dung của Mao Trạch Đông, và có lẽ là phá dỡ ngôi mộ của ông. Họ nói rằng ở Nga cuối cùng họ sẽ di dời phần mộ của Lênin, nhưng chưa biết họ sẽ làm gì với ngôi mộ đó. Họ đã di dời phần mộ của Stalin, nhưng nếu họ di dời mộ Lênin thì đó thực sự là một vấn đề lớn. Nhưng đó chính là điều sẽ xẩy ra ở Trung Quốc, vào ngày nay và trong thời đại này, bạn không thể thấy một người được tôn thờ theo kiểu một á thần như vậy.
Tương lai của triều đại của Tập Cận Bình
+ Nhiều người tin rằng cải cách theo hướng thị trường không thể cùng tôn tại với những ông lớn doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Vậy điều này sẽ diễn ra như thế nào ở Trung Quốc?
- Tất nhiên sẽ có những sự khác biệt về quan điểm: sự khác biệt quan điểm trong tất cả mọi hệ thống chính trị, không nhất thiết phải là sự khác biệt về cái đích cần đạt đến, mà là phải làm thế nào để đến được đó. Vì vậy tất cả các nhà lãnh đạo hiện nay đều nhất trí về sự cần thiết phải cải cách nhưng câu hỏi là làm thế nào để thực hiện điều đó. Và có thể một số người sẽ nghĩ rằng những biện pháp cải cách của Thủ tướng Lý Khắc Cường là quá cực đoan, và những người khác sẽ ủng hộ các cải cách và họ cho rằng những cải cách đó sẽ không đi đủ xa. Vì vậy, tất nhiên sẽ có những bất đồng và điều này sẽ cho thấy thước đo cho hai vấn đề. Đầu tiên, khả năng Tập Cận Bình duy trì trật tự và kỷ luật trong Bộ Chính trị, và thứ hai bản năng tự sinh tồn trong mội bộ phận các nhà lãnh đạo. Họ nên biết rằng nếu họ bắt đầu chia rẽ đảng Cộng sản Trung Quốc thì rất có thể dẫn đến thảm họa. Một số người nói con đường cho cải cách chính trị là phải công khai thừa nhận các phe phái trong đảng. Đó chính là bước đi đầu tiên hướng tới một chế độ hai đảng. Nhưng không ai muốn đi con đường đó.
+ Điều đó đã xẩy ra với đảng Cộng sản Liên Xô dưới thời Gorbachev
- Gorbachev đã suy nghĩ sai lầm rằng ông ta sẽ tăng cường được chủ nghĩa cộng sản, và trước hết ông đã cố gắng làm điều đó bằng thuyết Perestroika, nghĩa là bằng việc cải cách chế độ. Tuy nhiên, Gorbachev nhận thấy rằng sau 70 năm hoặc lâu hơn dưới sự cai trị của chế độ Cộng sản, các quan chức Liên Xô đã phản đối hình thức cải cách này. Vì vậy ta thực hiện sự công khai thẳng thắn, nhưng mọi người lại bắt đầu chỉ trích các quan chức, và báo chí trở nên rất quan trọng. Vì vậy Gorbachev đã chia rẽ xã hội chống lại chính nó. Và đó là những gì khiến biện pháp này thất bại. Và sau đó, tất nhiên, Gorbachev nghĩ rằng cuộc bầu cử sẽ củng cố cho sự đồng thuận về khả năng cai trị của đảng Cộng sản Liên Xô. Nhưng bản thân ông không bao giờ tham gia ứng cử. Boris Yeltsin đã tham gia canh bạc đó và giành chiến thắng, và chúng ta đều biết những gì xẩy ra sau đó. Vì vậy, nếu mọi người đều biết rõ rằng có những điều chắc chắn không thể làm được vì chúng sẽ làm suy yếu chế độ, thì sau đó họ sẽ không làm theo. Điều đó không khẳng định rằng chế độ này sẽ vẫn tồn tại. Hiện nay nó có những nền tảng không vững chắc. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo sẽ không muốn “tự vẫn”.
+ Liệu ông Tập Cận Bình cuối cùng có đạt được mục tiêu của mình?
- Mục tiêu của ông Tập Cận Bình là “Giấc mộng Trung Hoa”. Mục tiêu đó rõ ràng là làm cho Trung Quốc trở nên ngày càng mạnh mẽ trên trường quốc tế. vấn đề là Trung Quốc không có kinh nghiệm “trong hành động trên vũ đài thế giới”. Không có bất cứ thứ gì cả. Đó là một đất nước vĩ đại trong nhiều thế kỷ, nhiều thiên niên kỷ, nhưng không phải trên trường quốc tế. Nó chỉ là một đất nước vĩ đại ở khu vực Đông Á, và bây giờ là tư tưởng về một nước tham gia có trách nhiệm, đó là những gì mà Trung Quốc cần hướng tới, rất hấp dẫn đối với một số người, nhưng không phải với tất cả các nhà lãnh đạo. Vì vậy, giấc mộng của ông Tập Cận Bình là một Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ hơn, và rằng mọi người ở châu Á, châu Phi và có thể cả ở phương Tây, sẽ phải cúi đầu. Và điều đó đang xẩy ra ở thời điểm hiện tại: mọi người đổ xô đến Trung Quốc để hoạt động thương mại trong mọi lúc. Do đó, giấc mộng của ông Tập Cận Bình là Trung Quốc sẽ ngày càng thâu tóm được nhiều quyền lực, và đảng Cộng sản Trung Quốc cai trị mãi mãi. Tuy nhiên, khả năng đảng Cộng sản cai trị mãi mãi là điều đáng nghi ngờ.
Nguồn: THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Năm, ngày 14/11/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét