TTXVN (Hong Kong 12/11)
Theo Thời báo châu Á trực tuyến, một tài liệu đang lưu hành trong thời gian gần đây trên mạng Internet Trung Quốc lập luận rằng có 8 lĩnh vực cần phải cải cách khẩn cấp.
Đó là một tài liệu dài và chi tiết, song nói tóm lại tài liệu này tuyên bố rằng tại phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 (Hội nghị Trung ương 3 khóa 18), các nhà lãnh đạo nước này dự định sẽ hạn chế quyền lực và việc tiếp cận tài chính đối với các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước từng có rất nhiều quyền lực và vẫn thiếu hiệu quả, đồng thời tạo ra một thị trường và môi trường tài chính tốt hơn cho những doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả nhưng vẫn còn giữ vai trò hạn chế, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp đã góp phần chèo lái sự phát triển của Trung Quốc từ nhiều thập kỷ qua.
Điều này chắc chắn hoàn toàn phù hợp với những cải cách đã được phê chuẩn trong quá khứ, và về mặt lý thuyết đó là tính kế thừa. Cách đây một thập kỷ, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thay đổi Hiến pháp, trao cho các doanh nghiệp tư nhân vị thế giống như các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Trên thực tế, đây là sự khởi đầu của một cuộc cách mạng toàn diện sẽ kiểm tra ảnh hưởng của các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, vốn là một phần không thể thiếu trong cơ cấu kinh tế và tinh hoa quyền lực của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thông qua các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, giới lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc ban phát các đặc ân và tiền bạc, thúc đẩy các chương trình nghị sự của họ và cuối cùng thu hút các nguồn tài nguyên của đất nước bằng cách tập trung quyền lực thực sự và một lượng lớn tiền mặt vào tay một thiểu số người. Quá trình này không được thực hiện bởi một nghiên cứu về hiệu quả kinh tế, mà bởi một nỗ lực nhằm vét hết hàng hóa trên thị trường và tạo ra những sự độc quyền thực sự. Điều đó đã hạn chế quá trình này và hút hết tài nguyên của các doanh nghiệp tư nhân.
Cuộc cải cách này nên tạo ra một môi trường kinh tế lâu dài tốt hơn, điều có thể duy trì sự tăng trưởng bền vững của Trung Quốc trong 3 hoặc 4 thập kỷ tới và sẽ thúc đẩy môi trường thuận lợi cho chiến dịch đô thị hóa đã được công bố hồi đầu năm nay rằng sẽ đưa 400 triệu người tới sống ở các thành phố vừa và nhỏ trong thập kỷ tới.
Tất cả những việc này là những kế hoạch dài hạn sẽ được thực hiện với sự phản đối lớn trong một thời gian ngắn. Những ông chủ thực sự của các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước sẽ thấy tiền bạc và quyền lực của họ bị giảm đi, và do đó họ đang phản đối các cuộc cải cách bằng tất cả sức mạnh và những khoản tiền tích lũy khổng lồ của họ. Sự phản đối này mạnh mẽ và bền bỉ đến nỗi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cần phải thâu tóm quyền lực vào tay mình bằng cách tước đoạt những quyền lực đó khỏi tay các quan chức thấp hơn – và điều này có thể là một lý do cho chiến dịch phê và tự phê được phát trên truyền hình gần đây ở cấp tỉnh và các cấp thấp hơn.
Các chính quyền địa phương, nằm ngoài ánh mắt xoi mói của chính quyền trung ương, trên thực tế là những khu vực mà các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước hoạt động thuận lợi nhất, đang vẽ ra những khoản vay khổng lồ với sự đồng lõa từ những chính quyền các tỉnh và thành phố. Bằng cách này, các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và các địa phương đã tạo ra những khoản nợ khổng lồ trên thực tế nhưng không được thể hiện chính thức trong ngân sách nhà nước. Có những ước tính khác nhau về các khoản nợ này, song chúng có thể cao hơn 60% GDP của Trung Quốc, một con số đã trở thành ngưỡng xác định hiệu quả kinh tế của một quốc gia.
Chắc chắn rằng nếu vấn về này không được giải quyết khẩn cấp thì trong vòng 10 năm Trung Quốc sẽ biến thành một Liên Xô kỷ nguyên Brezhnev thứ hai và điều đó sẽ là nguyên nhân khiến đất nước này sụp đổ, giống như điều đã xẩy ra với Liên Xô. Tuy nhiên những vấn đề này sẽ chưa xẩy ra ngay cho dù sức ép đối với các danh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước đang được cảm nhận ngay ở thời điểm này.
Và rồi một chính phủ ít trách nhiệm hơn có thể quyết định để có ít những rắc rối hơn – đáp ứng các yêu cầu của các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và để lại nhiều vấn đề cho thế hệ các nhà lãnh đạo kế cận, những người sẽ bị cho là có tội vì đã gây ra sự sụp đổ của Trung Quốc. Đây là cách được cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, hiện đã thất thế, tán thành. Ông Bạc Hy Lai ủng hộ các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước hơn các doanh nghiệp tư nhân. Sự sụp đổ vị thế chính trị của ông ta, bằng cách nào đó đã dẫn tới một thỏa hiệp chính trị mới: Phe này biến mất và những người từng ủng hộ ông phải được đưa trở lại với phần còn lại của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhìn từ góc độ của Trung Quốc, Mỹ cũng đang phải đương đầu với những thách thức ngắn và dài hạn tương tự như Trung Quốc, về dài hạn, Mỹ sở hữu cơ sở hạ tầng yếu kém, và trong vấn đề này, đảng viên ôn hòa của đảng Cộng hòa Bill Mundell từ lâu đã đề xuất tư nhân hóa từng phần trong tài sản mà nhà nước quản lý chưa hiệu quả nhằm hỗ trợ tài chính cho một kế hoạch cơ sở hạ tầng mới đi vào hoạt động, điều này cũng có thể giúp chi trả tốt hơn cho các trường học và dịch vụ y tế.
Tuy nhiên, lời kêu gọi của ông Bill Mundell không được mọi người lưu tâm. Hai đảng viên ôn hòa của đảng Cộng hòa, Henry Kressel và David p. Goldman, nhận thấy sự đổi mới của Mỹ, nhân tố đóng vai trò quan trọng đối với an ninh và sự thịnh vượng của quốc gia, không được tốt. Đổi mới phụ thuộc vào khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp với nguồn đầu tư, song các nhà chức trách, dựa trên kinh nghiệm của Trung Quốc, tin rằng chính sách công có thể sẽ có ích. Nhưng những quan ngại này cũng không xuất hiện trong cuộc tranh luận công khai.
Ở một mức độ khác, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang thúc đẩy cải cách y tế, vấn đề có thể thúc đẩy sự cải cách lớn tại Mỹ, bởi về cơ bản, mọi người sẽ được tiếp cận tốt hơn với dịch vụ y tế, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống cơ bản của nhiều người. Hiện nay có thể không phải là thời điểm thích hợp cho công cuộc cải cách này. Nó làm tăng chi tiêu công vào thời điểm mà Mỹ cần trả hết các khoản nợ của mình và có thể có nhiều sự phản đối chính đảng khác, trong đó có cả việc đổ lỗi cho tổng thống vì không tạo được sự đồng thuận.
Tuy nhiên, tình trạng tê liệt chính trị xẩy ra do sự phản đối này đang tạo ra một bầu không khí có thể dập tắt những thay đổi dài hạn cần thiết khác ở Mỹ. Nếu tổng thống kế tiếp của Mỹ là một đảng viên đảng Cộng hòa thì các đảng viên đảng Dân chủ cũng có thể phản đối mạnh mẽ bất kỳ cải cách dài hạn nào mà vị tổng thống đó đưa ra.
Nhìn từ góc độ của Trung Quốc, và do chắc chắn sẽ có sai lệch do không nắm được nhiều chi tiết, phe đối lập với ông Obama hiện nay đã làm xói mòn mọi nỗ lực thực hiện những thay đổi dài hạn do những vấn đề quan tâm trong ngắn hạn – giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tiếp theo, giành chiến thắng trong cuộc tranh luận và qua đó đạt được những mục tiêu quốc gia và địa phương – có nhiều giá trị hơn nhũng vấn đề dài hạn gây ra sự suy yếu tổng thể của Mỹ.
Tất nhiên, có nhiều lý do để nói rằng cuộc cải cách này đang được xử lý không hiệu quả, và cần làm một số điều tốt hơn. Tuy nhiên, nhìn từ bên ngoài, sự phản đối này nghe có vẻ không thỏa đáng bởi như người Italy thường nói rằng ‘“tốt hơn’ là kẻ thù tồi tệ nhất của ‘tốt’”.
Trên thực tế, dường như có ý kiến từ phía Trung Quốc cho rằng nền dân chủ Mỹ, được thực hiện bởi nỗi ám ảnh với những sự nổi tiếng trong tương lai và sự cạnh tranh luẩn quẩn của những chiến dịch bầu cử liên tục, khiến nước này không thể giải quyết được những vấn đề về cơ cấu – và sự yếu kém này thậm chí có thể khiến Mỹ sụp đổ.
Nếu Trung Quốc có nền dân chủ kiểu Mỹ ngay hiện nay thì các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước sẽ gây cản trở cho các cuộc cải cách và do đó khiến đất nước rơi vào tình trạng trì trệ lâu dài. Kết quả này có thể có một vài điều đáng khen ngợi – nền dân chủ tiến bộ ở Mỹ và ở một số quốc gia châu Âu có thể vấp phải một bức tường – nhưng nó không thể chỉ ra được nước Mỹ dân chủ và châu Âu đã làm cách nào để tạo ra những đổi mới lớn lao trong suốt hai thế kỷ qua.
Có lẽ có một vài vấn đề về cơ cấu trong việc quản lý một hệ thống dân chủ – được hình thành trong một thời kỳ không có truyền hình hay Internet cùng với dân số nhỏ hơn nhiều và ít biến động – giờ đây mọi thứ đang thay đổi với tốc độ nhanh hơn nhiều trên một quy mô lớn hơn và có sự liên kết với nhau. Tuy nhiên cũng có những vấn đề mà đảng Cộng sản Trung Quốc duy vật sẽ gọi là “tâm linh”: sự suy tàn của một loạt những giá trị chung liên kết những người thuộc tầng lớp tinh hoa và quốc gia.
Sự phản đối của đảng Cộng hòa chiếm, ưu thế ở Mỹ dường như là để đánh giá tính chính xác và đúng đắn của sự cần thiết phải tìm kiếm một sự thỏa hiệp với tổng thống để có thể cứu vãn sự đoàn kết của đất nước và đảm bảo một con đường cho cải cách dài hạn. Ở đây, Trung Quốc nhận thức được sự đảo lộn đạo đức và xung quanh vụ Bạc Hy Lai đã có sự rạn nứt đáng kể trong các giá trị chung. Đặc biệt vấn đề rạn nứt này đang được giải quyết bằng cách nỗ lực tập trung những người từng ủng hộ Bạc Hy Lai trước đây, như đảng đã làm vào năm 1989 với những người từng ủng hộ phong trào Thiên An Môn và vào năm 1999 với những cựu tín đồ của phong trào Pháp Luân Công.
Song ngược lại, Mỹ dường như không nhận thức được sự đổ vỡ trong hệ thống giá trị được thiết lập và thậm chí không biết về sự nguy hiểm dài hạn do hệ thống này gây ra. Các thành viên của đảng Dân chủ làm việc vì họ sử dụng sự thỏa hiệp chính trị để giải quyết sự khác biệt về lợi ích và nguyên tắc. Tuy nhiên, nếu không đi đến được thỏa hiệp thì một quốc gia sẽ rơi vào tình trạng bế tắc – hoặc tệ hơn là một cuộc nội chiến. Và những thỏa hiệp này được tìm thấy dựa trên những giá trị chung.
Vậy hiện nay, điều gì đang diễn ra tại Mỹ? Liệu đó có phải là Tea Party – một nhóm có tư tưởng cực đoan – đang tìm cách áp đặt ý chí của mình lên đa số người Mỹ? Đảng Cộng hòa đã lầm lẫn rồi sao? Hay còn điều gì khác? Điều gì khó khăn đến nỗi phần còn lại của đất nước không hiểu về Tea Party? Tại sao những người của Tea Party bị một số đồng nghiệp Mỹ coi là gần giống như Taliban của Afghanistan? Tại sao Mỹ không thể sửa chữa vết nứt này, vết nứt vốn đang phát triển trong lương tâm và trong hệ thống giá trị của họ?
Tất nhiên, Mỹ hiện đang quá bận rộn với những vấn đề của họ để có thể lo lắng đến việc giải thích những điều đó với phần còn lại của thế giới, nhưng sự lúng túng ngày càng tăng ở Trung Quốc và trên thế giới về những gì đang xẩy ra ở Washington và về những khó khăn trong việc tìm hiểu cuộc chiến sẽ kết thúc như thế nào, bên cạnh các vấn đề mức trần nợ công hiện tại, đang làm sụt giảm lòng tin lâu dài đối với Mỹ và do đó quyền lực mềm của nước này là nền tảng của quyền lực rắn.
Nếu quyền lực mềm này bị rung chuyển thì các nước khác sẽ ganh đua để thay thế nó và cố gắng đơn giản này có thể phá vỡ trật tự thế giới hiện tại với hậu quả trung hạn và dài hạn đối với nước Mỹ. Đây là điều không tốt cho cả Mỹ lẫn Trung Quốc, quốc gia cần có một môi trường rất hòa bình và ổn định để thực hiện sự phát triển của họ trong những thập kỷ tới.
* * *
TTXVN (New York 11/11)
Sự phụ thuộc ngày càng tăng của Trung Quốc vào các thị trường năng lượng nước ngoài có thể buộc cường quốc này phải xem xét lại chính sách “không can thiệp” mang tính lịch sử của mình, ít nhất là ở các khu vực sản xuất nguồn năng lượng chính. Ngày 9/10, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ công bố dữ liệu cho thấy Trung Quốc đã chính thức vượt Mỹ trở thành nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Theo mạng tin Stratfor, mặc dù thời điểm chính xác Mỹ “trao cờ” cho Trung Quốc không quan trọng nhưng số liệu thống kê này nhấn mạnh một xu hướng ngày tăng thập kỷ tới: Mỹ ngày càng giảm sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ toàn cầu trong khi Trung Quốc thì ngược lại.
Tiềm ẩn trong sự phát triển kinh tế thần kỳ của Trung Quốc là tăng trưởng nhanh về nhu cầu năng lượng. Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ than lớn nhất thế giới và đang trong xu hướng vượt Mỹ trở thành quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất. Tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc đã tăng từ 2,3 triệu thùng/ngày năm 1990 lên 4,7 triệu thùng/ngày năm 2000 và hiện đang hướng tới mức 11 triệu thùng/ngày. Mỹ hiện tiêu thụ khoảng 15 triệu thùng/ngày.
Dù tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại và sẽ khó có thể trở lại mức tăng hơn 10% như trước đây, nhu cầu dầu mỏ sẽ vẫn trong xu hướng tăng. Phần lớn dân số Trung Quốc đang bước vào giai đoạn phát triển kinh tế mà họ có khả năng mua ôtô; khi các nền kinh tế đạt được mức GDP trên đầu người từ 10.000 đến 20.000 USD, tỷ lệ xe hơi so với dân số thường tăng mạnh. Dù tỷ lệ xe hơi so với dân số ở Trung Quốc không thể đạt ngưỡng như ở Mỹ nhưng với quy mô dân số lớn của Trung Quốc đồng nghĩa với việc dù chỉ một thay đổi nhỏ trong tỷ lệ sở hữu xe hơi sẽ làm thay đổi lớn nhu cầu nhiên liệu. Điều này khẳng định rằng việc nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong thập kỷ tới, củng cố vị trí là quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của cường quốc này.
Ý nghĩa đối với Trung Quốc
Xu thế này có một vài ý nghĩa đối với Bắc Kinh. Ba tập đoàn dầu mỏ quốc gia chính của Bắc Kinh, Tổng công ty dầu khí và hoá chất Trung Quốc (Sinopec), Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) và Công ty cổ phần trách nhiệm hữu hạn dầu khí Trung Quốc (PetroChina) sẽ tiến tục chính sách quyết liệt mở rộng quy mô tiếp cận toàn cầu. Sự chú ý đặc biệt sẽ tập trung ở các quốc gia mà mức sản xuất dầu có tiềm năng tăng như Iraq, Brazil và Venezuela bất chấp sự phức tạp chính trị, vận chuyển xung quanh việc phát triển năng lượng ở các quốc gia này.
Mặc dù một phần của sự mở rộng này nhằm mục đích bảo đảm nguồn cung dầu mỏ cho Trung Quốc, các công ty này cũng tìm cách giảm thiểu rủi ro và muốn trở thành các tập đoàn dầu khí toàn câu. Điều này có nghĩa rằng các công ty sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động sang các nước như Mỹ và Canada. Lấy ví dụ, CNOOC và Sinopec đã đầu tư vài tỷ USD vào các mỏ dầu khí đá phiến. Những khoản đầu tư này cũng nhằm nâng cao trình độ công nghệ cho các tập đoàn dầu khí Trung Quốc.
Bên cạnh đó, với sự tăng trưởng kinh tế nội địa Trung Quốc chậm lại và quốc gia này đang trải qua giai đoạn chuyển đổi từ mô hình kinh tế hướng tới xuất khẩu sang mô hình phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu thụ nội địa, sẽ có sự suy giảm về cán cân thương mại. Tăng nhập khẩu dầu và các loại hình năng lượng khác sẽ chỉ đẩy nhanh việc xóa bỏ cán cân thương mại tích cực hiện nay của Trung Quốc dù sự thay đổi này đã diễn ra trong vài năm. Nó cũng làm gia tăng rủi ro của Bắc Kinh với các nhân tố bên ngoài, không chỉ là các vấn đề kinh tế mà còn là rủi ro về nguồn cung bằng đường biển. Bắc Kinh đã nỗ lực làm giảm thiểu các rủi ro này bằng việc tăng nhập khẩu bằng đường bộ từ Nga và Trung Á, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là bảo đảm an toàn cho giao thông đường biển vai trò từ lâu đã do Mỹ đảm nhiệm.
Sự phụ thuộc vào năng lượng của Mỹ suy giảm
Khi sự tiêu thụ gia tăng đưa Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất, Mỹ lại đang giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu dầu khí từ nước ngoài. Ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ đã trải qua bước tiến công nghệ vượt bậc giúp việc sản xuất dầu của nước này tăng gần 40% trong 3 năm qua, đưa sản xuất nội địa lên mức cao chưa từng thấy kể từ trước Chiến tranh vùng Vịnh thứ Nhất. Dù đây không phải là lý do duy nhất khiến Mỹ giảm mạnh nhập khẩu dầu mỏ, Canada cũng đã tăng mạnh việc sản xuất dầu của mình và đang xuất khẩu sang Mỹ bằng đường bộ Kết quả là Mỹ ngày càng giảm nhập khẩu dầu mỏ từ bên ngoài bằng đường biển. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian còn lại của thập kỷ này khi Mỹ và Canada tiếp tục tăng cường sản xuất dầu.
Tuy nhiên, việc sản xuất dầu của cả Mỹ và Canada không thể đạt mức đủ cao để Washington không còn phải nhập khẩu dầu từ các nước khác. Bên cạnh đó, Mỹ hội nhập lớn vào dòng chẩy thương mại và thị trường tài chính toàn cầu. Chính vì thế, Mỹ sẽ vẫn rất quan tâm đến thị trường dầu mỏ quốc tế cũng như việc bảo đảm an toàn tuyến giao thông hàng hải không chỉ cho việc vận chuyển năng lượng mà còn các loại hàng hóa khác. Lấy ví dụ, ngay cả khi nếu nhập khẩu năng lượng của Mỹ tư Trung Đông giảm, bất kỳ sự suy giảm mạnh nguồn cung nào từ Trung Đông sẽ dẫn tới các hậu quả kinh tế nghiêm trọng ở Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác, cuối cùng sẽ làm ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ.
Ngoài ra Mỹ sẽ tiếp tục nhập khẩu dầu thô Trung Đông vì những lý do cơ cấu. Ví dụ, bang California và các bang duyên hải miền Tây không kết nối với phần còn lại của lục địa bằng đường ống và việc xây dựng đường ống dẫn dầu tới các khu vực này khó khăn. Chính vì vậy các nhà máy lọc dầu tại đây sẽ tiếp tục tìm kiếm nguồn dầu thô từ Trung Đông ngay cả khi Mỹ tiếp tục tăng sản xuất dầu trong nước.
Ảnh hưởng của OPEC đang suy giảm
Việc tăng sản xuất năng lượng của Mỹ một phần được cho là do giá dầu mỏ tăng cao. Đây không phải là lần đầu tiên từ giá dầu cao dẫn tới bước đột phá về công nghệ ở các nước phát triển, mở ra nguồn sản xuất dầu vô tận. Trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1970, giá dầu cao đã khiến các nhà sản xuất dầu mỏ phát triển sang các khu vực đắt đỏ hơn như vịnh Mexico, bang Alaska và Biển Bắc, dẫn tới sự tăng trưởng bền vững nguồn cung dầu của các thành viên không thuộc OPEC trong suốt những năm 1980. Kết quả là giá dầu mỏ đã giảm mạnh và giữ ở mức thấp trong suốt thời kỳ bất ổn địa chính trị ở Trung Đông, thời điểm đã xẩy ra cuộc chiến tranh giữa Iraq và Iran. Saudi Arabia và các nhà sản xuất dầu OPEC khác ban đầu đã cố gắng hạn chế sản xuất để tăng giá nhưng họ đã không thể gây tác động đáng kể đến giá dầu mỏ vì việc sản xuất của các thành viên không thuộc OPEC tăng quá nhanh. Điều này cuối cùng buộc Saudi Arabia phải tăng sản xuất trở lại để giành lại thị phần, giúp giữ mức giá dầu tương đối thấp cho tới những năm 2000 khi một xu hướng mới nổi lên, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tăng mạnh từ các nền kinh tế mới nổi.
Ngày nay, việc tăng sản xuất dầu ở Mỹ, Canada, Nga và Brazil đã làm suy giảm khả năng của OPEC trong việc tác động đến giá thành. Tuy nhiên, trái ngược với nhũng ví dụ lịch sử về sản xuất tăng, nhu cầu ngày càng tăng ở Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia mới nổi khác tới nay đã làm giảm bớt ảnh hưởng từ việc sản xuất dầu tăng của các thành viên không thuộc OPEC vì vậy, việc sản xuất phải tiếp tục tăng trưởng để giữ giá dầu ở mức hiện nay.
Điều này quan trọng đối với nhiều quốc gia Trung Đông vì khả năng khống chế sản lượng dầu mỏ đang bị đặt câu hỏi. Các quốc gia như Saudi Arabia, Oman và những nhà sản xuất dầu mỏ Trung Đông khác không chỉ tăng tiêu thụ nội địa của mình mà còn nhằm đối phó với mùa Xuân Arập 2011, các nước này phụ thuộc vào tăng chi tiêu phúc lợi nhờ xuất dầu để “tránh bão”. Các quốc gia này cần giữ giá dầu cao như hiện nay để duy trì nguồn thu ngân sách của mình, thậm chí họ còn cần giá dầu tiếp tục tăng cao hơn nữa.
Nguồn: THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Tư, ngày 13/11/2013
Sự phụ thuộc ngày càng tăng của Trung Quốc vào các thị trường năng lượng nước ngoài cũng sẽ đòi hỏi Trung Quốc ngày càng quan tâm đến những diễn tiến chính trị ở Trung Đông và các khu vực sản xuất năng lượng khác. Chính sách trước đây của Bắc Kinh trong các tranh chấp này là không can thiệp nhưng với sự phụ thuộc ngày càng tăng, chính sách này có thể sẽ trở nên lỗi thời. Mỹ sẽ vẫn rất quan tâm đến thị trường năng lượng toàn cầu và các sự kiện địa chính trị có thể ảnh hưởng đến các thị trường này, nhưng việc giảm phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mở từ bên ngoài sẽ giúp Washington rảnh tay hơn trong thực thi chính sách đối ngoại của mình tại các khu vực sản xuất dầu khí chiến lược.
Nguồn: THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Tư, ngày 13/11/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét