Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Chuyến thăm hóa giải căng thẳng Đông Á

(Toquoc)- Ông Biden sẽ nỗ lực hết sức nhằm kiềm chế các căng thẳng về mặt quân sự với Trung Quốc trong khi vẫn tìm cách hỗ trợ đồng minh Nhật Bản.
Ngày 2/12, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Tokyo, bắt đầu chuyến công du châu Á kéo dài một tuần nhằm tái khẳng định các cam kết của chính quyền Barack Obama đối với khu vực.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng khu vực đang gia tăng. Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc hiện đang vướng vào một cuộc tranh cãi liên quan đến hai hòn đảo nhỏ mà cả Tokyo và Bắc Kinh cùng tuyên bố chủ quyền. Các cuộc khẩu chiến càng trở nên căng thẳng và đe dọa châm ngòi đối đầu quân sự sau khi Trung Quốc vào ngày 23/11 tuyên bố thiết lập “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ), với ranh giới bao trùm cả các đảo đá tranh chấp.
Sứ mệnh của ông Biden sẽ là kiềm chế các căng thẳng về mặt quân sự với Trung Quốc trong khi vẫn tìm cách hỗ trợ đồng minh Nhật bản làm đối trọng với quốc gia ngày càng lớn mạnh này. Bên cạnh đó, chuyến thăm Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc của ông Biden còn nhằm mục đích đập tan các chỉ trích cho rằng Mỹ đang “xao nhãng” châu Á do bị phân tâm bởi các diễn biến chính trị trong nước và tại khu vực Trung Đông.
Trước thềm chuyến thăm, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice khẳng định: “Tái cân bằng hướng trọng tâm vào châu Á Thái Bình Dương vẫn là nền tảng trong chính sách ngoại giao của chính quyền Obama”.
Với sứ mệnh đó, tại Tokyo, ông Biden hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về hàng loạt vấn đề, từ hợp tác song phương, thúc đẩy đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tới các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có vùng biển Hoa Đông. Ông Biden sẽ trấn an Nhật Bản rằng liên minh quân sự Nhật – Mỹ, được hình thành từ những năm 50 của thế kỷ trước, vẫn còn hiệu lực. Và có thể ông Biden sẽ một lần nữa tái khẳng định Senkaku/Điếu Ngư, quần đảo đang là tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nằm trong phạm vi của Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, ông Biden sẽ nỗ lực kiềm chế căng thẳng liên quan giữa Washington và Bắc Kinh trong các cuộc gặp dự kiến diễn ra vào cuối tuần này.
Tại Seoul, sau cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, thúc đẩy buôn bán, ông Biden còn có bài phát biểu về quan hệ Mỹ-Hàn Quốc và an ninh bán đảo Triều Tiên tại Trường Đại học Yonsai.
Trong chặng dừng chân tại Bắc Kinh, Phó Tổng thống Joe Biden sẽ có các cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch Lý Nguyên Triều và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Các cuộc gặp của ông Joe Biden với các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế, buôn bán, tiền tệ, bán đảo Triều Tiên, các điểm nóng của khu vực và thế giới.
Một quan chức chính quyền Tổng thống Obama giấu tên cho biết: “Điều quan trọng là Mỹ sẽ tiếp tục khẳng định thông điệp nhấn mạnh chúng tôi đang và sẽ luôn hỗ trợ các đồng minh, và sẽ luôn có cơ hội để hai cường quốc như Mỹ và Trung Quốc cùng xây dựng một mối quan hệ kiểu mới trong thế kỷ 21 này”.
Mặc dù Washington tuyên bố không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền lãnh hải, song Mỹ từng nhiều lần thừa nhận quyền kiểm soát các hòn đảo tranh chấp là của Tokyo và nói rằng hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật có hiệu lực đối với khu vực này, thái độ được cho là nhằm phản ứng trước các nỗ lực của phía Trung Quốc trong việc thách thức sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Chuyên gia về châu Á Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một viện nghiên cứu chính sách, nói: “Tôi cho rằng Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều khẳ năng sẽ công khai tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với hiệp ước quốc phòng song phương và nhấn mạnh rằng các hòn đảo tranh chấp nằm trong phạm vi Điều 5 của hiệp ước này, theo đó, Mỹ thừa nhận quyền kiểm soát của Tokyo đối với khu vực và phản đối mọi hành động vi phạm quyền lợi này. Điều cần thiết là ông ấy sẽ phát biểu quan điểm này một cách công khai”.
Nhiều người cho rằng Phó Tổng thống Mỹ sẽ đưa ra các đề xuất để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 4/12. Ông Biden có thể sẽ truyền tải thông điệp đến Trung Quốc rằng việc họ xác định ADIZ hoàn toàn không phải là một bước đi khôn ngoan và có thể kéo theo các hệ lụy không mong muốn, song các bên có thể tìm hướng giải quyết vấn đề này, và có một giải pháp đó là chỉ cần Trung Quốc không bắt các quốc gia phải tuân thủ tất cả các quy định khắt khe của vùng nhận dạng này.
Giới quan sát cho rằng, ông Biden sẽ vận dụng những kinh nghiệm và hiểu biết, cùng với mối quan hệ cá nhân sẵn có của ông với Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc chắc hẳn sẽ đánh giá nghiêm túc những nỗ lực và đề xuất của ông Biden. Trung Quốc có thể coi ông Biden là “người môi giới công bằng”.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Giả Khánh Quốc, Phó Giám đốc Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, một giải pháp ngay lập tức cho vấn đề ADIZ là khó khả thi. “Trung Quốc sẽ nói rằng hành động này của họ là hoàn toàn bình thường, cũng tương tự như của 20 quốc gia khác. Bởi vậy, tại sao người ta phải phản ứng gay gắt?”
Bất chấp những bế tắc về mặt quân sự, các quan chức Mỹ cho rằng sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền tại Trung Quốc, hợp tác song phương Mỹ - Trung trong hàng loạt vấn đề từ biến đổi khí hậu cho tới tham vọng hạt nhân Bắc Triều Tiên ngày càng chặt chẽ.
Rõ ràng mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ được giới truyền thông và học giả chú ý, khi cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ là đặc điểm chính trị nổi bất trong giai đoạn hiện nay. Vì thế, hai bên sẽ nỗ lực để tìm ra những cách thức để hai cường quốc có thể xây dựng một kiểu quan hệ mới trong thế kỷ 21./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét