Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Thỏa thuận đột phá hay sai lầm lịch sử

Hôm nay, ngoại giao đã mở ra một con đường mới hướng tới một thế giới an toàn hơn. Một tương lai mà trong đó chúng ta biết rằng chương trình hạt nhân của Iran là hoà bình và Iran không thể chế tạo vũ khí hạt nhân".
Tổng thống Obama phát biểu như thế tại Nhà Trắng ngay sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) được ký kết tại Geneva ngày 24/11, sau bốn ngày đàm phán "marathon".
Thỏa thuận cùng thắng
Trước hết, cần khẳng định đây là thỏa thuận cùng thắng của Nhóm P5+1 và Iran. Theo nội dung chính của thỏa thuận, Iran được phép tiếp tục làm giàu uranium, nhưng phải ngừng toàn bộ hoạt động làm giàu uranium trên 5% trong sáu tháng; làm "loãng" kho uranium từ mức độ 20% (gần mức sản xuất vũ khí) xuống mức dưới 5%; không sản xuất và lắp đặt thêm máy ly tâm; ngừng quá trình chạy thử lò phán ứng tại cơ sở Arak; và cho phép các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tới thanh sát thường xuyên.
Đồng thời, nhóm P5+1 sẽ thành lập Uỷ ban hỗn hợp để làm việc với IAEA và giám sát việc thực thi thỏa thuận này, trong đó có quy mô quân sự tiềm tàng trong chương trình hạt nhân Iran cũng như các hoạt động tại cơ sở Parchin của Tehran. Như vậy, Iran vẫn giữ được quyền làm giàu uranium, điều mà nước này cương quyết bảo vệ trong mọi cuộc đàm phán từ trước đến nay.
Để đổi lại sự nhân nhượng từ phía Iran, Nhóm P5+1 sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt Iran có tổng giá trị khoảng 7 tỉ USD và sẽ không áp đặt thêm bất cứ biện pháp trừng phạt mới nào liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này trong sáu tháng. Iran hy vọng đây sẽ là bước đầu tiên đi đến chấm dứt toàn bộ các lệnh trừng phạt vốn đang làm nền kinh tế nước này bị kiệt quệ.
Đối với Mỹ và phương Tây, thỏa thuận này sẽ giúp kiểm soát chương trình hạt nhân của Tehran bằng biện pháp hoà bình mà không phải sử dụng biện pháp quân sự chứa đầy rủi ro. Riêng với chính quyền Obama, việc ký kết thỏa thuận hạt nhân sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Iran sau 35 năm đóng băng, nhờ đó các công ty của Mỹ có thể đầu tư vào lĩnh vực dầu lửa nhiều tiềm năng và các lĩnh vực kinh tế khác. Tại Trung Đông, Washington hy vọng sự can dự tích cực với Tehran sẽ giúp giảm sự ủng hộ của Iran với các nhóm Hồi giáo thân Iran và nhờ đó, giúp đem lại ổn định hơn cho Trung Đông cũng như an ninh cho Israel.
Nhiều hoài nghi
Trong bối cảnh tiến trình hoà bình Trung Đông đang gặp nhiều trắc trở, việc đạt được thỏa thuận hạt nhân của Iran, cũng như thỏa thuận về Syria trước đó là một dấu hiệu tích cực. Các nhà lãnh đạo thế giới như Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nga… đã hoan nghênh thỏa thuận có tính "đột phá" và "lịch sử" này.
Tuy nhiên, thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn còn chứa đựng nhiều hoài nghi. Trong nội bộ Mỹ, nhiều thành viên cao cấp của Đảng Dân chủ và Cộng hoà đã lên tiếng phản đối. Nhiều nghị sĩ hai đảng đề nghị đưa thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Iran vào phiên họp Quốc hội ngày 9/12 tới bởi họ nghi ngờ về các cam kết của Iran, cho rằng Iran sử dụng thỏa thuận để "câu giờ".
Ngay tại Trung Đông, hai đồng minh chủ chốt của Mỹ là Israel và Saudi Arabia lại cho rằng thỏa thuận này là "sai lầm lịch sử". Điều họ lo ngại nhất là Iran vẫn "âm thầm" phát triển vũ khí hạt nhân, mở rộng ảnh hưởng ra toàn khu vực Trung Đông và đe doạ sự tồn vong của họ trước sự bất lực của cả Mỹ và phương Tây.
Còn với các thành viên P5+1 khác, mặc dù nhất trí về các điều khoản trong thỏa thuận sơ bộ này nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra, đáng chú ý nhất là tính chất mập mờ của từ ngữ trong thỏa thuận, để cho các bên giữ được thể diện và "cùng thắng". Thực tế cho thấy thỏa thuận hạt nhân của Iran mới chỉ là bước khởi đầu, và các bên sẽ xem xét lại trong 6 tháng tới. Do đó còn rất nhiều việc để làm trên con đường đi tới một giải pháp toàn diện cho vấn đề hạt nhân Iran.
Điều đáng lưu ý là thoả thuận đạt được chưa đầy bốn tháng sau khi tân Tổng thống Iran Husan Rouhani cam kết thay đổi mối quan hệ của Iran với thế giới sau khi nhậm chức. Xét từ bất kỳ góc độ nào, thỏa thuận hạt nhân Iran là bước đi đột phá sau hàng chục năm bế tắc và là bước đi quan trọng đầu tiên trên bước đường tiến tới việc thiết lập quan hệ mang tính xây dựng giữa Iran và các cường quốc phương Tây sau 35 năm thù địch và căng thẳng.
Nguyễn Hoàng Nhật
Nguồn: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BinhLuan/2013/11/F0450A8B7E0D0B32/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét