Đội ngũ chính trị viên của Trường Sĩ quan Chính trị là cán bộ của Đảng, của Quân đội, “là người chủ trì về chính trị”[1] ở các hệ, tiểu đoàn, đại đội trong toàn Trường, trực tiếp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị; tổ chức, tuyên truyền, giáo dục đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của Nhà trường tới cán bộ, học viên, chiến sĩ trong đơn vị, góp phần quan trọng bảo đảm cho đơn vị luôn đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong hệ thống phẩm chất, năng lực của người chính trị viên, thì phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống luôn được coi là cái gốc, cái nền tảng của người chính trị vên; luôn gắn với tài năng, là cơ sở để tài năng hình thành, phát triển và được trọng dụng. Cụ thể hoá Nghị quyết số 51 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 513 của Đảng uỷ Quân sự Trung ương tiếp tục khẳng định: “Cán bộ được bổ nhiệm chính ủy, chính trị viên phải là những đồng chí đủ tiêu chuẩn, tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị; có tính Đảng và tính nguyên tắc cao, thực sự tiền phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết trong Đảng và đơn vị; có đủ điều kiện và tín nhiệm làm bí thư cấp ủy”[2].
Từ khi tái lập đến nay, Trường Sĩ quan Chính trị đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 51-NQ/TƯ ngày 20 tháng 7 năm 2005 của Bộ Chính trị (khoá IX) về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính uỷ, chính trị viên trong QĐND Việt Nam, Nghị quyết số 513-NQ/ĐUQSTW ngày 17 tháng 11 năm 2005 của Đảng uỷ Quân sự Trung ương lãnh đạo triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX) về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính uỷ, chính trị viên trong QĐND Việt Nam, trực tiếp là Quy định số 85-QĐ/ĐUQSTW ngày 03/4/2006 của Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Quyết định số 771/QĐ-BQP ngày 04/4/2006 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Quy định số 1723/QĐ-CT ngày 01/12/2007 của Tổng cục Chính trị về ban hành chức danh, nhiệm vụ mối quan hệ công tác của chính uỷ, chính trị viên, chủ nhiệm chính trị; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của cơ quan Chính trị các cấp trong Quân đội. Theo đó, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường rất chú trọng xây dựng đội ngũ chính uỷ, chính trị viên ở Trường Sĩ quan Chính trị đủ biên chế, có phẩm chất, năng lực toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ chính uỷ, chính trị viên trong Nhà trường đều được tuyển chọn từ những nguồn được đào tạo cơ bản, có phẩm chất, năng lực toàn diện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng; giỏi về công tác đảng, công tác chính trị, hiểu biết sâu sắc về quân sự, hậu cần, kỹ thuật, gần gũi với học viên, chiến sĩ, hết lòng thương yêu mọi người, được mọi người tín nhiệm; nhận thức sâu sắc vị trí “chủ trì về chính trị” đối với đơn vị, có nhiều cố gắng vươn lên trong nghiên cứu, quán triệt đường lối, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đánh giá tình hình, đề xuất những chủ trương, biện pháp lãnh đạo đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cấp trên và cấp uỷ cấp mình về toàn bộ các hoạt động của đơn vị, lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị giữ vững định hướng chính trị, thực hiện đúng đường lối chính trị của Đảng; cùng với cấp uỷ, người chỉ huy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Báo cáo Sơ kết thực hiện Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX) ở Đảng bộ Trường Sĩ quan Chính trị ngày 18/11/2013 đã chỉ rõ: “Hiện nay, tổng số cán bộ chính trị cấp hệ, tiểu đoàn, đại đội trong Nhà trường là 42 đ/c, trong đó 42/42 có trình độ đại học trở lên, số qua chiến đấu và phục vụ chiến đấu 03/42 = 7,14%; chính trị viên hệ, tiểu đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ 04/12 = 33,33%, hoàn thành khá nhiệm vụ 08/12 = 66,67%; chính trị viên, chính trị viên phó đại đội hoàn thành tốt nhiệm vụ 15/30 = 50%, hoàn thành khá nhiệm vụ 14/30 = 46,67%, hoàn thành nhiệm vụ 01/30 = 3,33%”[3].
Để góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 513 của Quân uỷ Trung ương, yêu cầu xây dựng Quân đội, Nhà trường trong thời kỳ mới, nhằm tạo ra đội ngũ chính trị viên vừa có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng; vừa có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giỏi - người thầy trực tiếp và gần gũi có khả năng quy tụ, lôi cuốn học viên thành phong trào học tập, rèn luyện, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, Nhà trường chính quy, tiên tiến, mẫu mực, góp phần “Xây dựng Quân đội nhân dân… cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân tin yêu”[4]. Cùng với bồi dưỡng phẩm chất, năng lực toàn diện, Nhà trường rất chú trọng bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ chính trị viên ở Trường Sĩ quan Chính trị hiện nay.
Về bồi dưỡng phẩm chất chính trị
Phẩm chất chính trị là phẩm chất bao trùm xuyên suốt, yêu cầu quan trọng bậc nhất, là sự biểu hiện tập trung nhất và cao nhất của người chính trị viên trong quân đội, chi phối đến tư tưởng và toàn bộ quá trình hoạt động của chính trị viên. Với tư cách “là người chủ trì về chính trị”, chính trị viên các hệ, tiểu đoàn, đại đội ở Trường Sĩ quan Chính trị phải thực sự là người đại diện cho Đảng, người cán bộ lãnh đạo của Đảng trong quân đội, thực sự kiên định, vững vàng với đường lối chính trị của Đảng, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối, quan điểm của Đảng trong xây dựng đơn vị, dẫn dắt đơn vị đi theo đúng đường lối chính trị của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị kế hoạch của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường, cấp uỷ các cấp.
Trong xây dựng, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực cho chính trị viên, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng bồi dưỡng phẩm chất chính trị - lòng trung tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc, nhân dân và Quân đội, suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng và được coi“Đó là điều chủ chốt nhất”[5]. Bồi dưỡng phẩm chất chính trị cho chính trị viên các hệ, tiểu đoàn, đại đội ở Trường Sĩ quan Chính trị luôn được Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường coi đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, để làm cho đội ngũ chính trị viên của Nhà trường đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ xây dựng đơn vị vữnh mạnh về chính trị trong tình hình mới, cũng như làm kiểu mẫu, người thầy hướng dẫn trực tiếp cho học viên về công tác đảng, công tác chính trị, đáp ứng mục tiêu yêu cầu đào tạo của Nhà trường. Bồi dưỡng phẩm chất chính trị cho đội ngũ chính trị viên ở Trường Sĩ quan Chính trị phải toàn diện, song cần chú trọng bồi dưỡng, giáo dục làm cho đội ngũ này có trình độ hiểu biết sâu sắc, nắm vững những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của cách mạng, của Quân đội và Nhà trường, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” chống phá cách mạng, Quân đội ta của các thế lực thù địch… Qua đó, xây dựng, bồi dưỡng cho họ có kiến thức, năng lực toàn diện, nhạy bén, sắc sảo về chính trị, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tình cảm đúng đắn, niềm tin sâu sắc và trách nhiệm cao, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội, luôn đặt lợi ích của Đảng, Tổ quốc, nhân dân, Quân đội, Nhà trường và đơn vị lên trên lợi ích của bản thân; tích cực đấu tranh trên mặt trận chính trị, tư tưởng bảo vệ Đảng, Nhà nước và Quân đội; có động cơ phấn đấu, rèn luyện tốt, có ý chí quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, thử thách, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với đặc trưng bản chất của Quân đội ta “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, xứng đáng với truyền thống của Nhà trường “Trung thành, sáng tạo, đoàn kết, vượt khó, dạy tốt, học tốt”.
Về bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống
Là người chủ trì về chính trị, là “linh hồn”, “điểm tựa” tinh thần của cán bộ, học viên trong đơn vị. Trong đơn vị quản lý học viên chính trị viên trực tiếp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, tổ chức, tuyên truyền đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới cán bộ, học viên; chính trị viên còn là hiện thân, là trung tâm đoàn kết, “làm người kiểu mẫu trong mọi việc”[6], gần gũi, lắng nghe ý kiến của cán bộ, học viên; tổ chức, giáo dục, xây dựng tinh thần đoàn kết thống nhất trong đơn vị góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao. Vì vậy, bên cạch phẩm chất chính trị tốt, năng lực chuyên môn giỏi, đòi hỏi người chính trị viên các hệ, tiểu đoàn, đại đội ở Trường Sĩ quan Chính trị phải thực sự mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống. Bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống cho chính trị viên ở Trường Sĩ quan Chính trị là trách nhiệm của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường, các tổ chức lực lượng và bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng. Song, trước hết và quan trọng nhất là tự mỗi người chính trị viên phải tích cực học tập, công tác, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; ra sức rèn luyện lối sống trong sạch, lành mạnh, giản di, tiết kiệm, không tham nhũng, không đặc quyền, đặc lợi, không tham vọng cá nhân, không cơ hội, xu nịnh, bè phái, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện của đạo đức, lối sống thực dụng, sa đoạ, suy thoái, trái với bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
Về bồi dưỡng ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần thương yêu học viên
Ý thức tổ chức kỷ luật, lòng nhân ái, tinh thần thương yêu học viên của chính trị viên ở Trường Sĩ quan Chính trị là điều kiện căn bản bảo đảm cho đơn vị luôn dân chủ, đoàn kết, kỷ luật, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Để đội ngũ chính trị viên ở Trường sĩ quan Chính trị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cùng với bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, đội ngũ chính trị viên trong Nhà trường hơn ai hết phải là lực lượng thường xuyên đi đầu quán triệt và thực hiện nghiêm đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường; thương yêu con người, hoà mình với quần chúng. Đối với Tổ quốc chính trị viên phải tuyệt đối trung thành; đối với nhân dân chính trị viên phải kính trọng, lễ phép, hết sức đoàn kết và giúp đỡ làm cho dân tin, dân phục, dân yêu bộ đội; đối với cán bộ, học viên, chiến sĩ trong đơn vị chính trị viên phải gần gũi, “thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn.” [7] chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần, đến sự tiến bộ của cán bộ, học viên, chiến sĩ; hết sức tạo điều kiện cho cán bộ, học viên, chiến sĩ trong đơn vị tiến bộ và hoàn thành tốt nhiệm vụ, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện thiếu tôn trọng với học viên, quân phiệt, quan liêu, cá nhân chủ nghĩa. Do vậy, bồi dưỡng ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần thương yêu học viên cho đội ngũ chính trị viên trong Nhà trường là việc làm cần thiết và có ý nghĩa thiết thực góp phần hoàn thiện phẩm chất nhân cách người chính trị viên theo tinh thần Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 513 của Quân uỷ Trung ương và thực tiễn xây dựng Quân đội, Nhà trường ta hiện nay./.
[1] . BCHTW, Nghị quyết số 51-NQ/TƯ, ngày 20 tháng 7 năm 2005 của Bộ Chính trị (khoá IX) về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính uỷ, chính trị viên trong QĐND Việt Nam, Hà Nội.2005.
[2] . ĐUQSTW, Nghị quyết số 513-NQ/ĐUQSTW, ngày 17 tháng 11 năm 2005 của Đảng uỷ Quân sự Trung ương (nay là Quân uỷ Trung ương) lãnh đạo triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX) về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính uỷ, chính trị viên trong QĐND Việt nam, Hà Nội.2005.
[3] .Đảng uỷ Trường Sĩ quan Chính trị, Tài liệu sơ kết thực hiện Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX), Bắc Ninh 2013, tr.9
[4] . Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.82.
[5] . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2001, t9, tr. 285
[6] . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2001, t5, tr. 393
[7] . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2001, t5, tr. 392
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét