(Toquoc)- Kết quả bỏ phiếu ghi nhận những thành tựu của Việt Nam, bác bỏ các tiêu chuẩn kép về dân chủ nhân quyền.
Sáng ngày 12/11/2013, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 bỏ phiếu bầu 14 nước thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền (HRC) nhiệm kỳ 2014-2016. Với 184/192 phiếu, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất và lần đầu tiên trở thành thành viên HRC.
Các nhân viên LHQ đi thu phiếu bầu 14 thành viên mới của HĐNQ (nguồn: TTXVN)
Việc Việt Nam trúng cử với số phiếu cao để trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền là sự kiện quan trọng nhưng không bất ngờ. Kết quả bỏ phiếu ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng, bình đẳng giới… Việt Nam không có sự kỳ thị sắc tộc và xung đột tôn giáo.
Một trong các quyền cao nhất là quyền kinh tế. Đời sống kinh tế của nhân dân gần đây gặp nhiều khó khăn hơn trước, nhưng người dân được tạo điều kiện để “tự cứu mình”. Một xã hội đang trở nên năng động hơn, vượt khó, không chịu để cái khó bó cái khôn.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, đánh giá: “Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ và là một trong 6 quốc gia có những thành tựu đáng kể trong việc xóa đói giảm nghèo với tỷ lệ đói nghèo giảm còn 1/3. Năm 2002, tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam là 29%, nhưng đến năm 2012 chỉ còn khoảng 10%. Việt Nam cũng có những thành tích tốt trong giáo dục cơ bản, chỉ số về y tế, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh. Tôi nghĩ về tổng thể thành tích này rất đáng được ca ngợi và ghi nhận ở Liên Hợp Quốc cũng như toàn cầu”.
Việc Việt Nam trúng cử với số phiếu cao là kết quả không thể bác bỏ của sự đúng đắn của đường lối đối nội, đối ngoại độc lập, tự chủ của Đàng và Nhà nước ta. Là sự xác tín cho các nguyên tắc của quốc gia.
Chúng ta đang chứng kiến thế giới sống trong một thời kỳ đầy khủng hoảng và biến động. Trong thời đại chiến tranh điện tử và chống khủng bố quốc tế, các cá nhân dường như mất quyền tự do tuyệt đối và chủ quyền quốc gia bị xâm phạm bởi các hoạt động chiến tranh mạng và nghe lén. Cả đến những giao dịch riêng tư như điện thoại và thư điện tử cũng bị kiểm soát.
Trong khi không ít quốc gia siết chặt kiểm soát Internet và truyền thông, Việt Nam là nước rộng mở cho việc truy cập internet và các mạng xã hội.
Trong nhiệm kỳ 3 năm sắp tới làm thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp trực tiếp một cách xây dựng và trách nhiệm vào công cuộc bảo vệ và thúc đẩy các giá trị quyền con người trên phạm vi toàn thế giới, cũng như có điều kiện chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tốt từ bạn bè quốc tế nhằm đảm bảo sự thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền của mỗi người dân Việt Nam.
Việc các nước như Cuba, Trung Quốc, Nga, Saudi Arabia, Việt Nam, Algeria..., cùng với Việt Nam, được bầu vào HRC là sự bác bỏ các tiêu chuẩn kép và những nỗ lực dai dẳng của các cường quốc phương Tây sử dụng HRC cho các mục đích chính trị. Cuộc bỏ phiếu lần này dường như cũng là câu trả lời trực tiếp của cộng đồng thế giới trước vụ phanh phui nghe lén của Mỹ đang lộng hành trên thế giới, đẩy ngọn cờ dân chủ nhân quyền cuả Mỹ vào thế hạ phong.
Nói như thế không có nghĩa là chúng ta tự thỏa mãn chủ quan rằng mọi việc ở Việt Nam đều đã tốt. Biết người đã khó, biết mình còn khó hơn. Mỗi tổ chức và cá nhân có trách nhiệm cần phải nỗ lực cố gắng không ngừng để cải thiện điều kiện sống tình thần của người dân. Xã hội cần có kỷ cương nhưng cũng chống lại sự lạm quyền. Ta tự tin hơn, đồng thời phải tiếp tục cố gắng phấn đấu để thực hiện tốt hơn nữa các tôn chỉ mục đích nhân quyền mà Liên hợp quốc đề ra, cũng là những giá trị nhân bản không thể thiếu được./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét